|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

12 ngộ nhận nhà đầu tư chứng khoán nhất định phải tránh

08:16 | 12/02/2021
Chia sẻ
Từ các nhà đầu tư kỳ cựu đến các “tấm chiếu mới” F0, chắc hẳn ai trên thị trường chứng khoán cũng đều đã từng hoặc vẫn đang mắc phải ít nhất một trong các ngộ nhận dưới đây.

1. "Giá đã xuống thấp thế này rồi, không thể xuống thêm được nữa"

Bản thân huyền thoại đầu tư Peter Lynch đã từng mắc sai lầm này và phải trả giá đắt.

Kaiser Industries là một tập đoàn đa ngành với nhiều dòng sản phẩm trong lĩnh vực bất động sản, đóng tàu, truyền hình, sản xuất nhôm, ….

Năm 1971 khi Lynch là một nhà phân tích chưa nhiều kinh nghiệm tại quỹ Fidelity, cổ phiếu Kaiser có lúc giảm từ 25 xuống còn 11 USD/cp. Peter Lynch nghĩ rằng đây là một mức giá hời, lãnh đạo của Fidelity nghe theo và mua vào 5 triệu cổ phiếu.

13 ngộ nhận nhà đầu tư chứng khoán cần tránh để thành công - Ảnh 1.

Huyền thoại đầu tư Peter Lynch. (Ảnh: Bloomberg).

Ba tháng sau, Kaiser giảm còn 8 USD/cp. Peter Lynch lại gọi điện thoại cho mẹ mình và khuyên "múc mạnh vào" vì "giá xuống đến 10 rồi, làm sao xuống hơn được nữa?"

Thực tế là Kaiser tiếp tục giảm xuống 9, 8, 6 và cuối cùng là 4 USD/cp. Peter Lynch và những cộng sự của ông tại quỹ vẫn cố "gồng lỗ" và vài năm sau bán lại khi giá hồi phục lên 30 USD/cp. Tuy nhiên trải nghiệm kinh hoàng này đã dạy cho ông một bài học rằng giá cổ phiếu không hề dễ đoán và chỉ có một cản cứng duy nhất là 0.

Peter Lynch là một trong số ít các nhà đầu tư xuất sắc nhất thế giới. Ông quản lý quỹ Fidelity Magellan trong 13 năm từ 1977 đến 1990 và đạt tỷ suất sinh lời bình quân 29,2%/năm - cao gấp hơn hai lần thị trường chung. Tài sản do quỹ Magellan quản lý tăng từ 18 triệu USD lên 19 tỷ USD.

2. "Lúc nào giá xuống đáy là biết ngay"

Peter Lynch ví việc bắt đáy cổ phiếu cũng giống như bắt dao rơi, luôn tiềm ẩn nhiều "bất ngờ đau đớn". Ông cho rằng nên đợi con dao đã rơi xuống đất, rung lắc một hồi rồi sau đó mới vào mua.

Ông khuyên nhà đầu tư nên quyết định mua dựa vào các tiêu chí cơ bản chứ không phải chỉ theo diễn biến giá vừa qua. Chẳng hạn, doanh thu bắt đầu tăng trở lại, bảng cân đối kế toán cho thấy doanh nghiệp có 11 USD tiền mặt trên mỗi cổ phiếu trong khi giá trên thị trường chỉ khoảng 14 USD/cp là những dấu hiệu khả quan.

"Nhà đầu tư thường không thể bắt đúng đáy cổ phiếu. Giá sẽ dao động một thời gian, có thể rất dài, rồi sau đó mới tăng", Peter Lynch nói.

3. "Giá cao thế này rồi, tăng thế nào được nữa"

Về lý thuyết, giá cổ phiếu có thể tăng vô tận, không có giới hạn nào nếu doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt và lợi nhuận liên tục cải thiện.

Peter Lynch thường lấy Philip Morris làm ví dụ minh họa. Năm 1958, cổ phiếu hãng thuốc lá này có giá sau điều chỉnh là 0,75 USD/cp. Năm 1961, giá lên thành 2,5 USD, nhiều nhà đầu tư sốt ruột muốn chốt lời vì "Tăng mạnh thế rồi, còn lên đến đâu được nữa?"

11 năm sau đó, giá cổ phiếu đã lên 17,5 USD, cao gấp 7 lần mức năm 1961 và 23 lần mức của thập niên 1950, nhiều nhà đầu tư lại bán ra vì tin chắc Philip Morris không thể lên được nữa.

Thực tế đến năm 1988, Philip Morris có giá 124 USD/cp, tức là tăng 166 lần trong 30 năm. Người đầu tư 1.000 USD vào Philip Morris sẽ có 166.000 USD, đó là còn chưa kể đến 23.000 USD tiền cổ tức tiền mặt.

Công ty thuốc lá này quyết định chia tách cổ phiếu theo tỷ lệ 4:1 để hạ giá đơn vị, giúp cổ phiếu phù hợp hơn với nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Những người không kiên trì "gồng lãi" và cho rằng cổ phiếu không thể tăng quá một ngưỡng nào đó sẽ bỏ lỡ cơ hội "ăn bằng lần" với các cổ phiếu tốt, có câu chuyện tăng trưởng dài hạn.

Thị trường chứng khoán Mỹ còn nhiều cổ phiếu khác tăng giá hàng trăm lần như Home Depot, Coca Cola, Toys "R" Us, … Chính Peter Lynch từng bị "mất hàng" Toys R Us vì bán quá sớm khi giá còn tiếp tục lên cao.

Thị trường chứng khoán Việt Nam không có lịch sử lâu đời như Mỹ nhưng cũng có nhiều cổ phiếu lớn đã tăng mạnh từ khi lên sàn như Vietcombank (Mã: VCB), Hòa Phát (Mã: HPG), Thế Giới Di Động (Mã: MWG), Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ), …

4. "Giá chỉ 3 USD/cp, có gì để mất đâu mà không thử?"

Nhiều người lầm tưởng rằng cổ phiếu có giá thấp an toàn hơn cổ phiếu giá cao, kiểu như 3 USD/cp an toàn hơn 50 USD/cp, hay 3.000 đồng/cp an toàn hơn 50.000 đồng/cp.

Thực ra, bất kể giá cổ phiếu là 50.000 hay 3.000, nếu công ty phá sản thì nhà đầu tư cũng đều trắng tay.

Nếu bạn dùng 100 triệu đồng để mua cổ phiếu với giá 3.000 đồng/cp và cô hàng xóm của bạn dùng 100 triệu đồng để mua với giá 50.000 đồng/cp rồi sau đó giá sụt về 0 thì cả hai người đều mất sạch 100 triệu.

Và giá cổ phiếu hoàn toàn có thể giảm về 0, đừng nghĩ rằng "giá thấp thế này rồi, không thể xuống thêm được nữa".

Nếu giá còn 100 đồng/cp, kết cục của hai nhà đầu tư sẽ khác nhau đôi chút. Người mua ở giá 50.000 sẽ mất 99,8% tiền gốc, người mua ở giá 3.000 sẽ chỉ lỗ 96,7%.

5. "Rồi sẽ đến lúc, doanh nghiệp quay về thời hoàng kim, giá quay lại mức cũ"

Mỗi năm có hàng nghìn công ty phá sản, nhiều doanh nghiệp chỉ còn thoi thóp với các xác khô, chưa kể các công ty bị mua lại với giá rẻ mạt. Rất nhiều doanh nghiệp và cổ phiếu không bao giờ có thể lấy lại phong độ trước kia, nhà đầu tư không nên kỳ vọng viển vông.

6. "Trước bình minh là lúc trời tối nhất"

Tâm lý con người dễ ngộ nhận rằng một khi sự việc đã chuyển biến xấu, nó sẽ không thể tồi tệ hơn nữa mà sẽ bắt đầu cải thiện.

Năm 1981, ở Mỹ có 4.520 dàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ. Đến năm 1984 con số giảm còn 2.200 và nhiều người đổ xô mua cổ phiếu dịch vụ dầu khí vì cho rằng thị trường đã xuống đến đáy, đã tới lúc "khổ tận cam lai". Thực tế, đến năm 1986 Mỹ chỉ còn 686 dàn khoan đang hoạt động. Tháng 1/2021, con số chỉ còn 378.

7. "Khi nào giá hồi về mệnh (hoặc giá vốn) thì tôi sẽ bán"

Sau khi mua với giá 10, cổ phiếu giảm giá còn 4, nhà đầu tư ân hận nhưng nhất quyết không chịu cắt lỗ hay thừa nhận sai lầm. Thay vào đó, nhà đầu tư muốn đợi đến khi có "giá xanh" mới bán.

Theo kinh nghiệm của Peter Lynch, nhiều cổ phiếu tồi không bao giờ hồi phục lại đỉnh cũ, hoặc phải mất rất nhiều thời gian mới quay lại được. Nếu cứ ôm khư khư những cổ phiếu này, nhà đầu tư sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội, vốn bị chôn ở nơi không sinh lời.

Nếu bạn thực sự tin rằng giá cổ phiếu sẽ hồi phục về giá 10, vậy thì bạn phải dốc hết gia sản để mua thêm khi giá đang ở 4 mới phải chứ? Thực tế, nhiều nhà đầu tư không tin cổ phiếu có triển vọng hồi phục nhưng vẫn luyến tiếc và không chịu cắt lỗ.

Peter Lynch khuyên nhà đầu tư: "Nếu không đủ tự tin vào doanh nghiệp tới mức sẵn sàng mua thêm thì nên bán cổ phiếu đó ngay lập tức".

13 ngộ nhận nhà đầu tư chứng khoán cần tránh để thành công - Ảnh 3.

Peter Lynch. (Ảnh: Heather Sten/Barron's).

8. "Mua cổ phiếu phòng thủ thì việc gì phải lo, có bao giờ biến động nhiều đâu"

Peter Lynch từng kể về việc nhiều thế hệ nhà đầu tư thận trọng mua cổ phiếu ngành điện vì cho rằng đây là lĩnh vực thiết yếu, có tác dụng phòng thủ trong thời kỳ biến động và do vậy không cần phải để ý nhiều. Tuy nhiên vào thập niên 1970 – 1980, những cổ phiếu từng một thời an toàn này lại vấp phải muôn vàn khó khăn khi chính phủ thắt chặt quản lý năng lượng hạt nhân và xuất hiện các vấn đề về hạ tầng cơ bản.

Cổ phiếu tập đoàn năng lượng Consolidated Edison có lúc giảm 80% so với đỉnh rồi sau đó đột ngột hồi phục và phá đỉnh cũ.

"Các doanh nghiệp luôn chuyển động và triển vọng luôn thay đổi. Bạn không thể phớt lờ thông tin về một cổ phiếu mà bạn sở hữu được", Peter Lynch nói.

9. "Cổ phiếu 'nặng mông', ôm mãi không chạy"

Một tình huống mà nhiều nhà đầu tư chắc đã gặp phải là: Mua một mã cổ phiếu, đợi mãi không thấy tăng nên chán và bán đi. Vừa bán xong thì thấy giá phi ầm ầm. Peter Lynch gọi đây là "sự thăng hoa sau thoái vốn".

Cổ phiếu dược phẩm Merck từng thử thách lòng kiên nhẫn của rất nhiều nhà đầu tư. Suốt 9 năm từ 1972 đến 1981, Merck chỉ đi loanh quanh mặc dù lợi nhuận vẫn tăng trưởng đều đặn 14%/năm. Nhiều người chờ đợi mòn mỏi và quyết định bán. Thế rồi trong 5 năm sau đó, cổ phiếu Merck bất ngờ tăng gấp 4 lần.

Peter Lynch cho biết ông kiên trì nắm giữ Merck vì ông đã rất quen với việc cổ phiếu đi ngang trong một thời gian dài. Đa phần lợi nhuận của ông đến sau khi mua cổ phiếu 3-4 năm.

Nếu công ty vẫn làm ăn tốt và lý do mua ban đầu vẫn còn đúng thì nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ, lòng kiên trì chắc chắn sẽ được đền đáp.  

10. "Tôi mất biết bao nhiêu tiền vì bỏ lỡ cổ phiếu tăng sốc"

Nhiều nhà đầu tư hay nghĩ rằng mình bị mất tiền khi không đầu tư vào các cổ phiếu hot nhất thị trường. Theo Peter Lynch, việc coi lợi nhuận của người khác như thua lỗ của mình là một thái độ thiếu tích cực và có thể dẫn tới những sai lầm đắt giá.

Bạn càng tìm hiểu về nhiều cổ phiếu thì lại càng nhận ra nhiều cơ hội bị bỏ lỡ và số lỗ mà bạn nghĩ mình phải gánh chịu có thể lên tới hàng tỷ hoặc nghìn tỷ USD. Chính suy nghĩ lệch lạc này khiều nhà đầu tư chơi trò "mua đuổi" những cổ phiếu mà lẽ ra không nên mua. Từ chỗ lo lắng về một khoản lỗ không hề tồn tại, nhà đầu tư ra quyết định sai lầm và phải gánh chịu thua lỗ thật.

11. "Tôi vừa bỏ lỡ cổ phiếu này, tôi sẽ cố chộp lấy cơ hội tiếp theo"

Vấn đề với lối suy nghĩ này là cơ hội "tiếp theo" thường không mang lại hiệu quả. Tại Mỹ, nhiều nhà đầu tư bỏ lỡ đợt tăng giá của cổ phiếu đồ chơi Toys "R" Us để đổ tiền vào Greenman Brothers với hy vọng đây sẽ là một Toys "R" Us thứ 2. Thực tế là Greenman Brothers nhanh chóng sập tiệm, nhà đầu tư đã sai lầm lại chồng chất thêm sai lầm.

Nhà đầu tư chẳng mất gì khi không mua Toys "R" Us nhưng vì quyết "chộp lấy cơ hội tiếp theo" là Greenman Brothers nên đã mất tiền thật.

Nhiều nhà đầu tư bỏ lỡ Home Depot rồi mua Scotty's cũng là một sai lầm, bỏ lỡ Piedmont rồi mua People Express cũng là một sai lầm.

Theo Peter Lynch, thà mua một cổ phiếu tốt ở giá cao còn hơn cố tìm kiếm một "cơ hội tiếp theo" với giá hời.

12. "Giá cổ phiếu tăng tức là tôi đã mua đúng, giá giảm tức là tôi đã sai"

Theo Peter Lynch, việc giá cổ phiếu tăng giảm trong ngắn hạn (vài ngày hay vài tháng) chỉ có ý nghĩa với những người giao dịch ngắn hạn (trader). Giá cổ phiếu tăng chỉ có nghĩa đơn giản là có người khác sẵn sàng trả giá cao hơn cho cùng một mặt hàng mà bạn đã mua. "Đừng lầm tưởng giá với triển vọng của doanh nghiệp", huyền thoại này nói.

Song Ngọc