12 dự án nghìn tỉ thua lỗ do quá chú trọng DNNN
Trước đó, đề án thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu với DN nhà nước (DNNN) và vốn nhà nước tại DN đã được chốt lại ở 2 mô hình.
Mô hình thứ nhất là sẽ thành lập mới một ủy ban thuộc Chính phủ với 2 phương án, gồm: Thành lập trên cơ sở điều chuyển cán bộ từ các bộ, ngành liên quan và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); hoặc nâng cấp SCIC thành ủy ban. Mô hình thứ hai là nâng cấp SCIC làm cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu với các DNNN.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Đại học Fulbright VN, cho rằng nhà nước không nên chọn lựa nhiều mục tiêu, không thể vừa tách bạch để nâng cao hiệu quả quản trị, nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh, muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn muốn giữ vai trò điều hành DNNN như một công cụ chính trị.
Theo ông Thành, thời gian qua, do quá chú trọng đến việc sử dụng DNNN để điều tiết kinh tế vĩ mô, dẫn đến hậu quả thua lỗ như 12 dự án "nghìn tỉ" ngành công thương. Do đó, đến giờ phút này, VN buộc phải lựa chọn 1 trong 2 mô hình. TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, cơ quan quản lý vốn nhà nước phải là một nhà đầu tư chủ động, nhằm hạn chế tối đa can thiệp hành chính vào DN; tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước và chức năng quản lý nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các DN...