|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

11 hãng ô tô nhập khẩu kiến nghị được giảm 50% lệ phí trước bạ như xe lắp ráp trong nước

21:37 | 26/10/2021
Chia sẻ
Chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ đối với ô tô cần được áp dụng chung cho cả xe sản xuất lắp ráp trong nước (CKD) và xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) để đảm bảo tính công bằng.

Đảm bảo tính công bằng

Đây là kiến nghị của 11 nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam vừa có chung văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Quốc hội và Bộ Tài chính về việc góp ý về quy định hỗ trợ giảm phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Văn bản của 11 nhà nhập khẩu ô tô (gồm Audi, Aston Martin, Bentley, Maserati, Jaguar Land Rover, Jeep, Porsche, Subaru, Volkswagen, Volvo và Ferrari) cho rằng: "Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ lần thứ hai đối với riêng ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, nhằm hỗ trợ các công ty ô tô trong đại dịch COVID-19. 

Chỉ giảm 50% thuế trước bạ đối với các xe lắp ráp trong nước đã cho thấy hiệu quả, nhưng cũng là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc".

Theo các doanh nghiệp này, năm 2021 nhiều tỉnh, phành phố trong cả nước thực hiện việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 buộc tất cả các nhà nhập khẩu và nhà phân phối ô tô nguyên chiếc phải tạm ngừng kinh doanh. 

Sự phân biệt đối xử ưu tiên chỉ riêng với xe sản xuất lắp ráp trong nước là thiếu công bằng đối với các nhà nhập khẩu cũng như nhà phân phối xe nguyên chiếc. 

Đây cũng là những đơn vị đang phải gánh nhiều tổn thất từ các văn phòng đăng ký, đăng kiểm xe hiện đang ngưng hoạt động, trong khi các doanh nghiệp này vẫn phải tiếp tục chi trả chi phí cho việc thuê cơ sở thương mại, thuế, lưu kho và nguồn nhân lực.

Năm 2020, những nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã chịu ảnh hưởng lớn khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ chỉ áp dụng đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước và mang tính phân biệt đối xử đối với xe nhập khẩu. 

Từ đầu năm 2021 đến nay, lượng xe nguyên chiếc nhập về Việt Nam của 11 doanh doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 8% tổng lượng xe nhập về Việt Nam. 

Các nhà nhập khẩu và các đại lý xe nhập khẩu nguyên chiếc đang sử dụng khoảng 3.000 lao động mà gia đình các nhân viên này cũng đều phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh đó. 

Mặc dù doanh số bán ra nhỏ hơn, nhưng những nhà nhập khẩu xe nguyên chiếc lại đóng góp một khoản thuế cao hơn nhiều trên mỗi chiếc xe vào Ngân sách Nhà nước.

Trong khi đó, các hạn chế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại Việt Nam đang được áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, do đó các nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tại Việt Nam đề nghị việc giảm thuế trước bạ cũng cần áp dụng chung cho cả xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc và đây cũng sẽ là sự hỗ trợ cho toàn cộng đồng.

Kích thích nhu cầu mua sắm những tháng cuối năm

Trong khi đó, từ khó khăn của đại dịch COVID-19, tháng 8/2021, UBND các tỉnh Ninh Bình (nơi có nhà máy ô tô Hyundai Thành Công - TC Motor) và Quảng Nam (nơi có nhiều nhà máy ô tô của Thaco) cũng có văn bản đề xuất các chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; trong đó có đề xuất tái áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ để khuyến khích người dùng.

Từ những kiến nghị trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu xử lý đề xuất này. 

Đến nay, các doanh nghiệp ô tô cũng như người tiêu dùng trong cả nước vẫn kỳ vọng Chính phủ sớm đồng ý việc giảm 50% lệ phí trước bạ như các doanh nghiệp đã đề xuất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ người tiêu dùng nhằm kích thích nhu cầu mua sắm những tháng cuối năm trong bối cảnh đại dịch.

Còn dưới góc nhìn của chuyên gia về ô tô, anh Vĩnh Nam cho rằng, việc giảm 50% lệ phí trước bạ là cơ hội tốt cho người tiêu dùng mua sắm sau đợt dịch kéo dài và cũng là cơ hội để giải phóng số lượng lớn xe tồn kho từ tháng 5 đến nay và cũng để doanh nghiệp tái sản xuất sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. 

Theo chuyên gia này, các cơ quan chức năng cũng nên xem xét việc hỗ trợ một phần đối với các đơn vị nhập khẩu. 

Bởi các xe nhập khẩu thời gian qua cũng bị ảnh hưởng rất lớn đến giá thành do tác động từ việc thiếu chip sản xuất, chi phí logistic tăng cao cũng như các chi phí kho bãi, ngân hàng và các chi phí khác, nhưng giá bán xe cũng chưa điều chỉnh tăng do áp lực từ xe lắp ráp trong nước.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cơ quan chức năng muốn có nguồn thu phải nuôi dưỡng và tạo nguồn thu bởi trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay để phí và giá cao người dân sẽ không có tiền mua. 

Do đó, việc giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sẽ kích thích được nhu cầu của người tiêu dùng, qua đó đẩy mạnh được sản xuất, lưu thông hàng hóa, khôi phục đà tăng trưởng và có nguồn thu trở lại.

Tuy nhiên, việc chỉ giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước mà không giảm cho ô tô nhập khẩu cần xem xét thấu đáo để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tránh phân biệt giữa xe nội hay xe ngoại.

Văn Xuyên