|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

11/18 mã giảm sàn, vốn hóa ngành ngân hàng bốc hơi hơn 67.900 tỉ đồng trong ngày giao dịch 9/3

19:14 | 09/03/2020
Chia sẻ
Danh sách giảm sàn trong ngày 9/3 có sự góp mặt của các cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn như VCB, BID, CTG... Thậm chí những cổ phiếu có diễn biến tích cực trong tuần trước như SHB, VIB và VPB cũng giảm sâu.

11/18 mã giảm sàn, vốn hóa ngành ngân hàng bốc hơi hơn 67.900 tỉ đồng trong ngày giao dịch 9/3 - Ảnh 1.

11/18 mã cổ phiếu ngân hàng giảm sàn phiên 9/3. Ảnh: Song Ngọc.

11 cổ phiếu ngân hàng giảm sàn trong ngày 9/3

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 9/3 chứng kiến các chỉ số cơ sở đồng loạt giảm sâu khi nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo giữa nhiều tin tức tiêu cực về dịch COVID-19 trên toàn cầu cũng như cuộc chiến giá dầu Nga - Arab Saudi. 

Đóng cửa ngày giao dịch 9/3, VN-Index giảm 55,95 điểm (-6,28%) xuống 835,49 điểm, đồng thời là phiên giảm mạnh nhất (tính theo tỉ lệ %) của chỉ số này kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức đi vào hoạt động. Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng giảm mạnh 7,32 điểm (-6,44%) xuống 106,34 điểm và UPCoM-Index giảm 5,38% còn 52,44 điểm. 

Cùng xu hướng với thị trường chung, các cổ phiếu ngành ngân hàng (vốn được coi là trụ đỡ của thị trường kể từ đầu năm tới nay) cũng lao dốc mạnh trong ngày hôm này với hàng loạt mã vốn hóa lớn giảm sàn, trắng bên mua.

Theo đó, trong ngày giao dịch hôm nay có tới 11/18 cổ phiếu ngân hàng giảm sàn. Trong đó, hai mã giao trên thị trường UPCoM là LPB và VIB giảm mạnh nhất, lần lượt ở mức 14,3% và 10,6%.

Cổ phiếu của cả ba ngân hàng TMCP gốc quốc doanh là Vietcombank, VietinBank và BIDV cũng đồng loạt nằm sàn, giảm gần 7% so với mức đóng cửa tuần trước.

11/18 mã giảm sàn, vốn hóa ngành ngân hàng bốc hơi gần 67.900 tỉ đồng trong ngày giao dịch 9/3 - Ảnh 2.

Rất hiếm khi cổ phiếu VCB ở trong tình trạng giảm sàn, trắng bên mua như phiên giao dịch ngày 9/3. (Nguồn: HSC)

Bên khối cổ phần tư nhân, các cổ phiếu như MBB, TCB, STB cũng giảm sàn, trắng bên mua trong ngày hôm nay.

Những mã có diễn biến tích cực trong những phiên giao dịch trước đó như SHB và VPB cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Theo đó, sau khi tăng liên tục trong 2 tuần trước SHB đã quay đầu giảm 9,7% trong phiên giao dịch ngày 9/3; tương tự, VPB của VPBank cũng giảm sàn 6,9%.

11/18 mã giảm sàn, vốn hóa ngành ngân hàng bốc hơi gần 67.900 tỉ đồng trong ngày giao dịch 9/3 - Ảnh 2.

Đóng cửa ngày giao dịch 9/3, giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đạt gần 920.900 tỉ đồng, giảm hơn 67.900 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 6/3), tương ứng giảm 6,9%.

Trong đó, vốn hóa của ba ngân hàng lớn nhất là Vietcombank, BIDV và VietinBank giảm lần lượt ở mức 21.882 tỉ đồng, 13.072 tỉ đồng và 6.702 đồng. Như vậy, tổng vốn hóa của ba ngân hàng gốc quốc doanh nói trên đã giảm gần 41.700 tỉ đồng, chiếm hơn 60% mức giảm vốn hóa toàn ngành.

11/18 mã giảm sàn, vốn hóa ngành ngân hàng bốc hơi gần 67.900 tỉ đồng trong ngày giao dịch 9/3 - Ảnh 4.

Thay đổi vốn hóa trong ngày 9/3 (Nguồn: QT tổng hợp)

Trong bối cảnh thị giá lao dốc mạnh, khối lượng giao dịch các cổ phiếu ngân hàng lại có xu hướng tăng so với các phiên trước với gần 111,4 triệu đơn vị được trao tay trong ngày hôm nay, tương ứng với giá trị giao dịch đạt hơn 2.077 tỉ đồng.

Trong đó, nhiều cổ phiều có khối lượng giao dịch tương đối lớn như STB (17 triệu cp), ACB (16,8 triệu cp), NVB (13,5 triệu cp), MBB (13,3 triệu cp) và CTG (10,8 triệu cp).

11/18 mã giảm sàn, vốn hóa ngành ngân hàng bốc hơi gần 67.900 tỉ đồng trong ngày giao dịch 9/3 - Ảnh 4.

Ảnh hưởng của dịch bệnh đến ngành ngân hàng bắt đầu bộc lộ

Báo cáo phát hành ngày 2/3 của Moody's nhận định, chất lượng tài sản trong các ngân hàng Việt Nam sẽ gặp rủi ro vì Covid-19. Nếu dịch bệnh kéo dài, nợ xấu trong khu vực sản xuất kinh doanh, thương mại và một số lĩnh vực khác theo đó sẽ tăng lên, do Việt Nam phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết trong 2 tháng đầu năm cho thấy tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng 1% của cùng kì năm trước. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất cùng kì trong 6 năm trở lại đây. 

Trước đó, chị sẻ tại cuộc họp với các tổ chức tín dụng về tăng cường triển khai các giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó gia tăng tỉ lệ nợ quá hạn, nợ xấu.

Theo ông Hùng, đến nay, có 23 tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ước tính có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Đối với từng ngân hàng, ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới hoạt động kinh doanh cũng đã bắt đầu bộc lộ.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết diễn biến phức tạp của dịch COVID - 19 đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của ngân hàng.

Theo ông Tú, sự ảnh hưởng rất mạnh từ dịch COVID-19 từ cả phía cung lẫn phía cầu và yếu tố mùa vụ là những nguyên nhân chính khiến cho huy động vốn của ngân hàng này giảm 1,6% và dư nợ tín dụng giảm gần 2% trong 2 tháng đầu năm nay.

Ngoài ra, Chủ tịch BIDV cũng cho biết kế hoạch lợi nhuận trước thuế 12.500 tỉ đồng trong năm nay là kịch bản tích cực nhất, tức dịch được khống chế trong tháng 3. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, BIDV sẽ cố gắng hết sức hoàn thành kế hoạch được đại hội giao nhưng cũng linh hoạt thực hiện.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cũng cho biết nhà băng phải này đã phải hi sinh ít nhất 300-450 tỉ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng vì dịch.

Tại VPBank, ngân hàng này ước tính số lượng khách hàng của VPBank bị tác động trong đợt dịch bệnh COVID-19 có thể lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có thể gia tăng nếu tình hình diễn biến phức tạp hơn và kéo dài. 

Quốc Thụy