Khách siêu giàu rảnh hơn do COVID-19, giao dịch chứng khoán tăng vọt và các ngân hàng đắc lợi
Dịch COVID-19 buộc nhiều người siêu giàu làm việc ở nhà, hủy các chuyến đi và tránh những buổi đánh golf. Thực tế ấy khiến họ có thêm thời gian để giao dịch cổ phiếu, làm tăng doanh thu cho tập đoàn Citigroup và nhiều ngân hàng khác trong khu vực châu Á, theo Bloomberg.
Số lượng giao dịch tăng
"Khách hàng đang giao dịch không ngừng. Vì hạn chế ra ngoài, họ có thêm thời gian để xem thị trường và đánh giá lại danh mục đầu tư", Jyrki Rauhio, người đứng đầu bộ phận ngân hàng tư nhân ở khu vực Nam Á của Citigroup, bình luận.
Không chỉ Citigroup, UBS và JPMorgan Chase là 3 trong số những tập đoàn tài chính đang chứng kiến số lượng và khối lượng giao dịch chứng khoán tăng trong đầu năm nay do SARS-CoV-2 gây xáo trộn thị trường.
Sự tăng vọt về giao dịch đã làm giảm phần nào nỗi đau của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu khiến nhiều nghiệp vụ - như sáp nhập hay phát hành cổ phiếu lần đầu - trong giới ngân hàng châu Á gần như tê liệt, và gây tổn thất cho các ngân hàng đầu tư trên toàn cầu.
Hoạt động môi giới của JPMorgan tại ngân hàng tư nhân của họ ở châu Á tăng hơn 30% hồi tháng 2 so với cùng kì năm ngoái do khách hàng giàu thực hiện nhiều giao dịch hơn, theo ông Kam Shing Kwang, giám đốc khu vực châu Á của JPMorgan, phát biểu.
"Hiện tại giao dịch của khách hàng khá sôi động. Xu hướng ấy phụ thuộc vào thời gian dịch COVID-19 lây lan", Kwang nói trong một cuộc phỏng vấn.
SARS-CoV-2 đã dẫn tới biến động mạnh về giá cổ phiếu khắp thế giới, thúc đẩy hoạt động giao dịch chứng khoán và làm thăng doanh thu cho mảng giao dịch của ngân hàng. Khoảng 49,1 tỉ cổ phiếu thuộc Chỉ số MSCI Asia Pacific đã đổi chủ vào ngày 26/2, mức cao nhất trong lịch sử, theo số liệu của Bloomberg.
Ở Hong Kong, giá trị giao dịch vượt 12,9 tỉ USD trong 24 trên tổng số 28 ngày sau Tết cổ truyền, theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong. Chỉ riêng trong ngày 28/2, giá trị giao dịch ở Hong Kong đã đạt mức cao nhất trong vòng một năm. Giao dịch tiền tệ và tỉ giá cũng tăng trong thời kì COVID-19 bùng phát.
"Sự kết hợp giữa tình trạng giảm đi lại và bất ổn thị trường tăng đồng nghĩa với việc khách hàng trở nên rất tích cực hoạt động. Chúng tôi thấy số giao dịch tăng cao từ đầu năm", Michael Blake, giám đốc khu vực châu Á của ngân hàng tư nhân Union Bancaire Privée, bình luận.
Cơ hội vàng của các tổ chức tài chính, ngân hàng
Trong bối cảnh số lượng triệu phú tăng mạnh toàn cầu, châu Á trở thành khu vực mà những nhà quản lí tài sản của UBS, Credit Suisse và các tổ chức tài chính khác tìm cơ hội tăng trưởng. Họ đang chạy đua với thời gian để thay đổi cách tương tác với khách hàng giàu.
Mặc dù SARS-CoV-2 tạo ra sự thúc đẩy ngắn hạn đối với giao dịch chứng khoán, lệnh hạn chế đi lại khiến việc kiếm thêm khách hàng mới trở nên khó hơn với ngân hàng tư nhân, đặc biệt là khách hàng từ Trung Quốc. Một số ngân hàng đang tạo điều kiện để khách hàng mới đăng kí qua mạng.
Rủi ro mà những ngân hàng có thể đối mặt là một cuộc khủng hoảng dai dẳng có thể kìm hãm đà tăng trưởng số lượng khách hàng, trong bối cảnh họ đang cố gắng mở rộng thị trường ở Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể trở thành một trong những thị trường ngân hàng tư nhân tăng trưởng thường niên lớn nhất thế giới tới tận năm 2023, theo một báo cáo năm ngoái của tập đoàn tư vấn Boston.
Một chuyên viên thuộc một ngân hàng tư nhân ở Hong Kong – vốn chỉ tập trung vào khách hàng ở Trung Quốc – kể rằng ông hầu như chỉ nói chuyện với khách hàng tiềm năng ở Hong Kong do ngân hàng của ông cấm ra khỏi thành phố và ông chỉ có vài cách để tiếp cận các nhà đầu tư đại lục.
Ngược lại, một chuyên viên ngân hàng chuyên tìm khách hàng ở Hong Kong, lại nói rằng anh cảm thấy khuyến khích khách giao dịch là việc khó vì họ không muốn gặp nhân viên môi giới dù họ không rời khỏi thành phố. Mặc dù doanh số của anh trong quí I tăng, viễn cảnh sẽ khá ảm đạm nếu dịch kéo dài.
JPMorgan và UBS là hai trong số những ngân hàng cho phép các nhà quản lí quan hệ khách hàng sử dụng WeChat, một phần mềm nhắn tin phổ biến ở Trung Quốc, để giao tiếp với khách hàng ở đại lục và duy trì tương tác.
UBS, với tư cách là tổ chức quản lí tài sản lớn nhất châu Á, xác nhận họ đã đầu tư công nghệ và cung cấp các nguồn lực liên lạc số cho nhân viên và khách hàng.
"Do khách hàng của chúng tôi không di chuyển, họ dành nhiều thời gian hơn để thảo luận về các danh mục đầu tư với chúng qua qua điện thoại hay hội thảo video", Amy Lo, đồng giám đốc của bộ phận quản lí tài sản của khách hàng ở châu Á-Thái Bình Dương của UBS, tiết lộ.