108.000 triệu phú rời bỏ quê hương năm ngoái
Andrew Amoils, người đứng đầu nghiên cứu tại New World Wealth, nói rằng diễn biến di cư của các triệu phú phần nào phản ánh môi trường kinh tế, xã hội của đất nước mà họ sống, bao gồm tình hình tội phạm, thiếu cơ hội kinh doanh hoặc căng thẳng tôn giáo.
"Đây có thể là một dấu hiệu của những điều tồi tệ sẽ đến vì những cá nhân có tài sản lớn thường là những người đầu tiên rời đi. Họ có khả năng di cư cao hơn giới trung lưu", ông nói.
5 quốc gia có lượng triệu phú USD di cư đến (màu xanh) và đi (màu đỏ) nhiều nhất. Đơn vị: nghìn người.
Mỹ là điểm đến yêu thích thứ hai trong năm 2018. Các địa điểm phổ biến được giới giàu có chọn làm chốn an cư mới bao gồm New York, Los Angeles, Miami và khu vực Vịnh San Francisco.Australia đứng đầu trong các điểm đến mong muốn của giới triệu phú vì được đánh giá là an toàn, không có thuế thừa kế và quan hệ kinh doanh mạnh mẽ với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nước này cũng nổi bật với thành tích tăng trưởng bền vững, thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính mà phần lớn thế giới từng liên lụy và tránh được suy thoái trong 27 năm qua.
Trong khi đó, chính sách siết chặt dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc những năm gần đây đã đặt giới siêu giàu vào tầm ngắm về thuế, dẫn đến sự thay đổi về tài sản của họ. Ngoài ra, một số người giàu châu Á muốn đến sống ở các nước phát triển để tìm kiếm sự thoải mái và cải thiện giáo dục cho con cái.
Tuy nhiên, dòng chảy triệu phú USD ra nước ngoài của Trung Quốc và Ấn Độ không liên quan đến tình hình kinh tế, bởi hai nước này tạo ra nhiều triệu phú mới hàng năm hơn số rời đi. "Một khi mức sống ở các quốc gia này được cải thiện, chúng tôi cho rằng một số người giàu có sẽ quay lại", Amoils nói.
Các thị trường mới nổi khác cũng chứng kiến dòng người giàu có ra đi khá lớn. Thổ Nhĩ Kỳ mất 4.000 triệu phú năm ngoái. Trong khi đó, 7.000 triệu phú cũng rời khỏi Nga vào năm 2018.
Mong muốn giữ sự riêng tư về tài sản cũng là một lý do khiến các triệu phú chuyển dịch nơi sinh sống. Theo Tiêu chuẩn Báo cáo chung (CRS) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra năm 2017, các ngân hàng và tổ chức tài chính sẽ chia sẻ dữ liệu về chủ tài khoản nước ngoài cho cơ quan thuế địa phương để chống trốn thuế. Hơn 100 khu vực pháp lý đã tham gia CRS, tạo tiền lệ mới cho việc trao đổi dữ liệu toàn cầu về tài sản ở nước ngoài.
"Nhiều người giàu đang tìm cách giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc thông tin về tài khoản của họ", Polina Kuleshova, chuyên gia tại hãng tư vấn quốc tịch Henley & Partners bình luận. Theo báo cáo của Knight Frank, một tỷ lệ kỷ lục, lên đến 26% các triệu phú USD trên thế giới, sẽ bắt đầu lên kế hoạch di cư trong năm nay.