1.000 liều vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech bị trả lại vì không bảo quản đủ lạnh
Vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech phát triển trong thời gian gần đây đã vấp phải một số sự cố trong khâu thử nghiệm và vận chuyển.
Nhập viện vì tiêm vắc xin COVID-19 quá liều
Reuters đưa tin chính quyền bang Vorpommern - Ruegen, Đức cho biết 8 nhân viên tại một viện dưỡng lão ở thành phố Stralsund đã được tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech với liều lượng cao gấp 5 lần lượng khuyến cáo hôm 27/12, trong đó 4 trường hợp phải nhập viện để theo dõi sau khi biểu hiện các triệu chứng giống như cúm.
"Tôi rất tiếc về vụ việc. Trường hợp cá biệt này là do sai sót cá nhân. Tôi hy vọng rằng tất cả những người bị ảnh hưởng không gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào", một quan chức địa phương cho biết.
Các nhà chức trách Vorpommern - Ruegen cho hay hãng dược phẩm BioNtech đã từng thử nghiệm vắc xin với liều lượng lớn hơn trong giai đoạn I mà không gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện hai nhà phát triển vắc xin chưa có bình luận nào về sự cố trên.
1.000 liều vắc xin bị trả lại vì không được bảo quản đủ lạnh
Một số quận ở bang Bavaria, Đức hôm 28/12 cho biết sẽ không sử dụng lô vắc xin do Pfizer/BioNTech phát triển mà họ đã nhận được vào cuối tuần trước do lo ngại vắc xin có thể không được duy trì đủ lạnh trong quá trình vận chuyển.
Loại vắc xin sử dụng công nghệ mRNA mới này phải được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp khoảng -70 độ C trước khi chuyển đến các trung tâm phân phối trong các hộp giữ lạnh được thiết kế đặc biệt chứa đầy đá khô.
Sau khi được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp, vắc xin phải được giữ ở 2 - 8 độ C để có thể duy trì hiệu quả trong tối đa năm ngày. Các hộp giữ lạnh do Pfizer thiết kế được gắn thiết bị theo dõi GPS để các công ty có thể giải quyết các vấn đề tiềm ẩn về bảo quản trên đường đi.
Trong khi BioNTech chịu trách nhiệm vận chuyển vắc xin đến các trung tâm phân phối có kho đông lạnh sâu, chính quyền địa phương có nhiệm vụ làm mát và vận chuyển chúng đến các trung tâm tiêm chủng riêng lẻ.
Các liều vắc xin đã đến Lichtenfels và sáu quận khác ở phía bắc bang Bavaria vào thứ bảy tuần trước trong các hộp giữ lạnh, loại được dùng cho các chuyến dã ngoại hoặc cắm trại. Các thiết bị đo nhiệt độ trong một số hộp cho thấy nhiệt độ lên đến 15 độ C.
"BioNTech phản hồi rằng vắc xin có thể ổn, nhưng có thể ổn thôi là chưa đủ.", một quan chức quận Lichtenfels cho hay và nói thêm rằng lô vắc xin này sẽ không được sử dụng.
Sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Y tế Bavaria, các quận gồm Lichtenfels, Coburg, Kronach, Kulmbach, Hof, Bayreuth và Wunsiedel đã quyết định không sử dụng lô 1.000 liều vắc xin trên.
Đức đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 từ hôm 27/12 cho các đối tượng ưu tiên gồm nhân viên y tế và những người sống trong các viện dưỡng lão. Nước này dự kiến sẽ tiêm chủng hàng loạt cho người dân vào năm tới.
Sự thật về 6 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin của Pfizer/BioNTech đã tử vong
Trước đó, vào đầu tháng 12, sáu trong số 44.000 người tham gia thử nghiệm giai đoạn cuối vắc xin Pfizer/BioNTech được thông báo đã tử vong, nhưng chỉ có hai người trong số này được tiêm vắc xin, 4 người khác được nhận giả dược an toàn gồm muối và nước, theo Reuters.
Một trong hai người được tiêm vắc xin đã ngừng tim sau 62 ngày tiêm liều thứ hai và qua đời ba ngày sau đó. Người còn lại tử vong vì xơ cứng động mạch ba ngày sau khi tiêm liều đầu tiên. Một trong số những người nhận giả dược tử vong vì nhồi máu cơ tim, một người khác do đột quỵ và hai người khác không rõ nguyên nhân.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vừa tổ chức cuộc họp và cho biết rõ rằng không có mối liên hệ nào giữa các trường hợp tử vong và việc tiêm vắc xin, FDA giải thích các biến cố trên xảy ra theo tỷ lệ tử vong bình thường của dân số chung.
Ngay sau đó, tối 11/12, FDA đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc xin Pfizer/BioNTech và cho biết vắc xin này có thể sử dụng cho người từ 16 tuổi trở lên.