|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

100 USD/thùng có phải đáy mới của giá dầu thô?

15:56 | 11/05/2022
Chia sẻ
Tờ oilprice.com cho rằng giá dầu thế giới đang neo khá vững trên mốc 100 USD/thùng nhờ các động lực hỗ trợ trái chiều trên thị trường. Nói cách khác, 100 USD/thùng có thể là mức đáy mới của giá dầu.

Giá dầu thô thế giới dường như đang trụ vững trên mốc 100 USD/thùng, bất chấp tác động của các đợt phong tỏa hà khắc tại Trung Quốc đối với triển vọng nhu cầu, oilprice.com nhận định.

Rủi ro tụt giá của dầu thô đã được bù đắp phần nào bởi lệnh cấm vận mà Liên minh châu Âu (EU) có thể sắp áp lên ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga. Một yếu khác giữ giá dầu ở mức hiện tại là OPEC+, tổ chức đã từ chối bơm thêm dầu để bù đắp cho nguồn cung của Nga.

Giá dầu đứng vững trên mốc 100 USD

Trong tuần đầu tiên của tháng 5, giá dầu đi xuống do tình trạng đóng cửa ở Trung Quốc. Trong khi Thượng Hải tiếp tục siết chặt lệnh phong tỏa mà thành phố ban hành hơn một tháng trước, thì thủ đô Bắc Kinh tăng cường xét nghiệm trên diện rộng.

Ngoài tại Thượng Hải và Bắc Kinh, các hạn chế liên quan đến COVID còn được áp dụng tại hàng chục thành phố lớn của Trung Quốc. Theo ước tính của Nomura Holdings, khoảng 373 triệu người Trung Quốc tại 45 thành phố đang sống dưới các lệnh phong tỏa.

Con số trên tương đương hơn 75% dân số của toàn EU (448 triệu người) và cao hơn toàn bộ dân số của Mỹ (330 triệu người). Không chỉ dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu thô, các lệnh phong tỏa này còn đang làm ách tắc chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Các đợt phong tỏa COVID ở Trung Quốc đang tác động tiêu cực đến thị trường dầu mỏ, dầu thô sụt giá cùng lúc với đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán”, ông Andrew Lipow từ Lipow Oil Associated chia sẻ với Reuters.

Mặt khác, “lệnh cấm vận ngành công nghiệp năng lượng Nga của EU sẽ kích hoạt một cơn địa chân trên thị trường dầu thô châu Âu và toàn cầu”, hãng tư vấn Rystad Energy nhận định.

Hãng này dự đoán đến tháng 12 năm nay, nếu lệnh cấm của EU được thực hiện một cách toàn diện, hơn 3 triệu thùng dầu của Nga có thể bị xóa sổ khỏi thị trường, ông Bjørnar Tonhaugen - trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường của Rystad Energy, cho hay.

Ở diễn biến khác, OPEC+ đã không bơm thêm dầu ra thị trường. Tại cuộc họp tháng 5, liên minh này đã nhất trí nâng mục tiêu sản lượng lên 432.000 thùng/ngày trong tháng 6. Nhìn chung, OPEC+ vẫn bám sát với kế hoạch tăng sản lượng từ từ mà họ thực hiện từ năm ngoái.

Kể cả muốn bán thêm dầu, hầu hết các nước thành viên của OPEC+ đều không thể vì họ đang phải vật lộn với những vấn đề khác nhau, dẫn đến khó tăng sản lượng. Đơn cử, Libya đang gặp bất ổn chính trị, còn Nigeria gặp vấn đề kỹ thuật.

Trái với diễn biến đầu tháng 5, giá dầu đang khởi sắc. Ghi nhận vào lúc 16h ngày 11/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent chuẩn quốc tế đang tăng gần 3,5% lên 106 USD/thùng, còn dầu WTI nhích hơn 3,5% lên 103,3 USD/thùng.

Công nhân kiểm tra một giàn khoan dầu tại khu vực Tây Siberia. (Ảnh: Getty Images).

Oilprice.com cho rằng dựa theo diễn biến giá dầu thời gian gần đây, dường như cú sốc từng làm chao đảo thị trường khi Nga mới tấn công Ukraine và phương Tây ồ ạt trừng phạt Moscow đã bắt đầu lắng xuống.

Điều này cho thấy giá dầu thế giới có khả năng sẽ duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng trong tương lai gần, qua đó ngăn chặn những biến động tạm thời chẳng hạn như đợt giảm trong thời gian ngắn của dầu WTI sau khi Nhà Trắng công bố kế hoạch xả kho lớn nhất lịch sử.

Tuy nhiên, theo lời Phó Thủ tướng Alexander Novak - cũng là người đại diện của Nga tại OPEC+, sản lượng dầu của xứ sở Bạch Dương đang tăng lên.

Chia sẻ với hãng thông tấn TASS, ông Novak cho biết: “Nhìn vào số liệu tháng 5, chúng tôi thấy mọi thứ đã cải thiện so với tháng 4. Tình hình ổn định hơn, sản lượng cũng tăng theo. Nga tin tưởng vào sự phục hồi trong tháng 5 và kỳ vọng thị trường sẽ tốt lên”.

Nga đã giảm nửa triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 3 và ước tính 1 triệu thùng khác mỗi ngày trong tháng 4 dưới sức nặng của các lệnh trừng phạt mà phương Tây giáng xuống. Các nhà phân tích từng bày tỏ sự lo lắng rằng một phần hoặc thậm chí toàn bộ sản lượng này sẽ không thể phục hồi trở lại.

Ngoài ra, một rủi ro khác là việc EU đang phải vật lộn để thông qua lệnh cấm vận dầu mỏ Nga vì Hungary và Slovakia đang đòi hỏi một sự nhượng bộ từ các nhà lãnh đạo khối.

Bulgaria cũng gây thêm áp lực lên Brussels khi khẳng định họ sẽ phủ quyết mọi lệnh cấm vận nếu nước này không được thêm vào danh sách các thành viên được miễn trừ thực hiện lệnh cấm trong thời gian nhất định.

Khả Nhân