|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

10 tháng đầu năm, Hà Nội thu ngân sách vượt dự toán năm gần 17.000 tỷ đồng

16:00 | 11/11/2024
Chia sẻ
Số liệu từ Cục Thống kê cho thấy tình hình kinh tế Hà Nội đã có sự hồi phục sau tác động của bão Yagi. Trong đó, tính chung 10 tháng đầu năm, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 425.200 tỷ đồng, vượt 16.653 tỷ đồng so với dự toán năm.

Thu ngân sách hơn 425.000 tỷ đồng

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024 của Cục Thống kê Hà Nội, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố 10 tháng năm nay ước thực hiện 425.200 tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, thu nội địa đạt 398.700 tỷ đồng, đạt 105,3% dự toán và tăng 22,5%; thu từ dầu thô 3.200 tỷ đồng, đạt 105,1% và giảm 17,9%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 23.100 tỷ đồng, đạt 85,6% và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước.

Chi ngân sách địa phương 10 tháng ước thực hiện 79.100 tỷ đồng, đạt 54,0% dự toán năm và tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 35.500 tỷ đồng, đạt 45,0% dự toán và tăng 27,9%; chi thường xuyên 42.900 tỷ đồng, đạt 74,2% và tăng 15,5% so với cùng kỳ.

Nợ xấu chiếm 1,81% tổng dư nợ tín dụng

Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 10, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước tính đạt 5,692 triệu tỷ đồng, tăng 0,56% so với cuối tháng trước và tăng 6,68% so với thời điểm kết thúc năm 2023.

Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đến cuối tháng 10 ước đạt 4,153 triệu tỷ đồng, tăng 0,61% so với cuối tháng trước và tăng 14,83% so với thời điểm kết thúc năm 2023. Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 1,785 triệu tỷ đồng, tăng 0,62% và tăng 18,64%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2,368 triệu tỷ đồng, tăng 0,60% và tăng 12,11%. 

Tính đến cuối tháng 10 năm nay, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiếm 1,81% trong tổng dư nợ. Tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo. 

Tình hình tín dụng ngân hàng tính đến cuối tháng 10 (Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội).

IIP tháng 10 tăng nhẹ

Cục Thống kê Hà Nội cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 10 tháng năm nay, IIP của Hà Nội tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 10 tháng năm nay, hầu hết các ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ, trong đó, sản xuất máy móc, thiết bị đạt mức tăng trưởng cao nhất, đạt 26,3%.

Bên cạnh đó, có 4 ngành sản xuất ghi nhận chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ, gồm: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 4,8%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 0,8%; sản xuất xe có động cơ giảm 0,8%; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị giảm 0,1%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng năm 2024 (Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội).

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm cả số lượng và vốn đầu tư

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, 10 tháng đầu năm, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 24.900 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 228.300 tỷ đồng, giảm 5,7% về số lượng doanh nghiệp và giảm 11,8% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, trên địa bàn Hà Nội có 8.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 15,1%; 21.800 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 20,1%; 3.900 doanh nghiệp giải thể, tăng 28,0%; 4.800 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,1%. 

Tình hình doanh nghiệp 10 tháng (Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội).

Thu hút 1,6 tỷ USD vốn FDI

Ngoài ra, toàn thành phố thu hút 1,6 tỷ USD vốn FDI trong 10 tháng. Trong đó, đăng ký cấp mới 233 dự án với số vốn đạt trên 1,1 tỷ USD; 160 lượt tăng vốn đầu tư với 184 triệu USD; 192 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 208 triệu USD. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 700.000 tỷ đồng

Cục Thống kê Hà Nội đánh giá, tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn thành phố trong tháng 10 vẫn duy trì ổn định, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 77.500 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 699.200 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 441.400 tỷ đồng, chiếm 63,1% tổng mức và tăng 10,7%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 95.400 tỷ đồng, chiếm 13,7% và tăng 11,1%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 23.400 tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 40,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 139.000 tỷ đồng, chiếm 19,9% và tăng 6,5%.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2024 (Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội).

Du lịch đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế

Về hoạt động du lịch, tính chung 10 tháng, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 5,110 triệu lượt người, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước, với số lượng khách quốc tế ước đạt 3,521 triệu lượt người, tăng 37,0%; khách du lịch nội địa ước đạt 1,589 triệu lượt người, tăng 13,0% so với cùng kỳ năm 2023.

Tình hình khách du lịch đến Hà Nội trong 10 tháng năm 2024 (Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội).

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 50 tỷ USD

Theo số liệu của Cục Thống kê, 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hà Nội đạt 48,7 tỷ USD. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 15,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6,4 tỷ USD, tăng 8,6%. 

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt 33,2 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 27,6 tỷ USD, tăng 10,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt 5,6 tỷ USD, tăng 6,9%. 

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá 10 tháng năm 2024 (Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội).

CPI tăng 4,61%, 10 nhóm có chỉ số giá tăng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Hà Nội tăng 0,28% so với tháng trước, tăng 2,24% so với tháng 12/2023 và tăng 2,20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 9/11 nhóm hàng có CPI tăng so với tháng trước, hai nhóm hàng ghi nhận CPI giảm là nhóm bưu chính viễn thông, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình.

Bình quân 10 tháng đầu năm, CPI Hà Nội tăng 4,61% so với bình quân cùng kỳ năm 2023, với 10/11 nhóm hàng có CPI bình quân tăng. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,23%, tác động làm CPI giảm 0,04%.

Tốc độ tăng, giảm CPI bình quân 10 tháng năm 2024 so với bình quân cùng kỳ năm 2023 (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Hà Nội).

Tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm

Trong tháng 10 vừa qua, một trong những công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm đã được tổ chức thông xe. Đây là trục huyết mạch kết nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài. Tuyến đường có chiều dài 3,7 km, mặt đường chính có thể đáp ứng 4 - 6 làn xe di chuyển cùng lúc, với tổng đầu tư 544 tỷ đồng.

Một công trình kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô khác là dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, tổng diện tích 67.900 m2 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông cũng đã được UBND TP Hà Nội tổ chức lễ khánh thành và gắn biển vào ngày 9/10.

Ngoài ra, thành phố đang tích cực triển khai một số công trình giao thông quan trọng như: Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục giai đoạn 1; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình…

Anh My

Data Talk ‘Theo dấu dòng tiền định chế tài chính: Top 10 cổ phiếu đáng quan tâm năm 2025’
Cùng chuẩn bị những hành trang đầu tư cho 2025, những phân tích hữu ích của các chuyên gia trên nền tảng dữ liệu quy mô hàng đầu - những gì bạn cần cho quyết định đầu tư trong năm 2025. Tất cả có trong Data Talk số tháng 12/2024 với chủ đề "Theo dấu dòng tiền định chế tài chính: Top 10 cổ phiếu đáng quan tâm năm 2025".