|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Yếu tố kinh tế đang tạo lợi thế cho bà Clinton trước ông Trump

07:17 | 06/11/2016
Chia sẻ
Các báo cáo tăng trưởng kinh tế quý 3 và việc làm trong tháng Mười của nền kinh tế Mỹ vừa mới được công bố đang tỏ ra là một yếu tố không thể xem thường trước giờ G, khi nó đang tạo ra một lợi thế không hề nhỏ cho bà Hillary Clinton, và đem lại bất lợi cho ông Donald Trump.

Chỉ còn vài ngày nữa cuộc bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ chính thức diễn ra – ngày 8.11, và đây là thời điểm mà các ứng cử viên chính đang hoạt động hết công suất để giành chiến thắng. Tuy vậy, vẫn có những yếu tố khách quan xảy ra đang có thể tác động mạnh tới cục diện cuộc chạy đua, mà kinh tế là một ví dụ điển hình. Các báo cáo tăng trưởng kinh tế quý 3 và việc làm trong tháng Mười của nền kinh tế Mỹ vừa mới được công bố đang tỏ ra là một yếu tố không thể xem thường trước giờ G, khi nó đang tạo ra một lợi thế không hề nhỏ cho bà Hillary Clinton, và đem lại bất lợi cho ông Donald Trump.

Hai báo cáo quan trọng nhất của nền kinh tế Mỹ là báo cáo tăng trưởng quý 3 và báo cáo việc làm trong tháng Mười vừa được công bố, dù vô tình hay hữu ý, đều đang đem lại lợi thế lớn cho ứng cử viên của đảng Dân Chủ là bà Hillary Clinton. Báo cáo tăng trưởng kinh tế quý 3 cho thấy, nền kinh tế Mỹ đang hoạt động hiệu quả hơn so với dự kiến khi đạt mức tăng trưởng 2,9% so với mức kỳ vọng trước đó chỉ là 2,6%. Điều này rất có ý nghĩa khi mức tăng trưởng của cả 2 quý trước đó đều thấp và không đạt mức dự báo.

Bản báo cáo việc làm trong tháng Mười do Bộ Lao động Mỹ vừa công bố cũng đi theo xu hướng tương tự, khi mọi chỉ số dường như đều rất khả quan. Cụ thể, trong tháng Mười, đã có khoảng 161.000 việc làm mới được tạo ra trong các lĩnh vực phi nông nghiệp. Tính bình quân thì trong năm 2016 trung bình mỗi tháng có khoảng 181.000 việc làm mới được tạo ra, thấp hơn mức bình quân 229.000/tháng của năm 2015 nhưng vẫn được xem là một thành công. Ngoài ra, thu nhập trung bình mỗi giờ cũng đã tăng thêm 10 cent, tương đương 0,4%, so với cùng kỳ 2015 thì mức tăng lương của người lao động Mỹ đã đạt khoảng 2,8% và là mức tăng lớn nhất trong vòng 7 năm rưỡi qua. Joel Naroff, kinh tế trưởng của Naroff Economic Advisor tại Pennsylvania, cho biết: “Đây là một báo cáo rất tốt, tiền lương đã thực sự bắt đầu tăng tốc”. Còn Scott Anderson, kinh tế trưởng của West Bank tại San Francisco, cho biết: “Đây là tin tức tốt cho những người lao động có thu nhập trung bình, khi tiền lương tăng thì họ có thể chi tiêu thoải mái hơn, thậm chí có thể bắt đầu tiết kiệm cho tuổi già”.

Tất cả những báo cáo này đang hiển nhiên đem lại lợi thế cho bà Hillary Clinton. Nó là bằng chứng cho thấy các chính sách điều hành kinh tế của tổng thống Barack Obama đang thực sự có hiệu quả, và bà Hillary với tư cách là người sẽ kế tục việc thực hiện các chính sách đó nếu trở thành tổng thống dĩ nhiên cũng có thêm uy tín. Các con số thống kê ở thời điểm hiện tại nhìn chung đều có lợi cho bà Hillary, chẳng hạn như đã có tổng cộng khoảng 15,5 triệu việc làm mới được tạo ra trong nền kinh tế Mỹ kể từ năm 2010, một nửa trong số đó có thu nhập cao, mức tăng lương cũng không hề ít ở nửa còn lại. Tính đến hết tháng Mười vừa qua, thì nước Mỹ đã trải qua tháng thứ 73 liên tiếp trong vấn đề tạo ra việc làm mới trong nền kinh tế, một con số khá ấn tượng. Những điều này đang tạo sức nặng cho chính sách kinh tế dựa vào tầng lớp trung lưu của bà Hillary, chẳng hạn như bài phát biểu tại Pittsburgh vào ngày thứ Sáu 4.11: “Tôi tin tưởng vào sự phát triển từ trong ra ngoài và từ dưới lên. Khi tầng lớp trung lưu phát triển mạnh, nước Mỹ sẽ phát triển mạnh. Donald Trump thì tin vào một điều khác, đó là một nền kinh tế phục vụ cho giới thượng lưu”.

Trong khi đó, các yếu tố kinh tế lại đến với ông Donald Trump theo một cách ít tích cực hơn. 2 lá thư ngỏ của khoảng gần 400 nhà kinh tế hàng đầu nước Mỹ trong tuần qua yêu cầu cử tri đừng bỏ phiếu cho vị tỷ phú của đảng Cộng Hòa là một ví dụ điển hình. Các bản báo cáo tăng trưởng quý 3 và việc làm trong tháng Mười cũng đem đến bất lợi cho ông Trump, khi nó đi ngược lại với những tuyên bố của vị tỷ phú này rằng kinh tế Mỹ đang ngày càng suy yếu hơn do những chính sách bất hợp lý của tổng thống Obama và đảng Dân Chủ. Bất kể những sự phủ định của ông Trump, chẳng hạn như bài phát biểu tại New Hampshire cách đây ít ngày: “Những con số đó thực sự là thảm họa. Chẳng có ai lại đi tin chúng cả. Những con số thống kê họ đưa ra là hoàn toàn giả mạo”, thì những số liệu kinh tế đó đã được mặc định coi là chính xác.

Điểm duy nhất có lợi cho ông Trump trong các báo cáo kinh tế trên, đó là việc chất lượng việc làm mới được tạo ra vẫn chưa được cải thiện nhiều, tốc độ tăng lương cũng còn khá khiêm tốn. Dù tỷ lệ thất nghiệp đã quay trở lại mức 4,9%, mức thấp nhất kể từ năm 2008, nhưng số lao động phải chấp nhận việc làm bán thời gian thì lại tăng lên mức 9,5% - mức cao nhất trong vòng 8 năm rưỡi qua. Tỷ lệ tham gia thị trường lao động của người dân Mỹ trong độ tuổi lao động đã giảm 0,1% trong tháng Mười, và chỉ còn đạt khoảng 62,8% mà thôi. Những phát biểu của chủ tịch Cục dự trữ Liên bang (FED) là Janet Yellen cũng đang có lợi cho ông Trump, bà Yellen cho biết ở thời điểm hiện tại nền kinh tế Mỹ chỉ cần tạo ra khoảng 100.000 việc làm mới mỗi tháng để theo kịp với tốc độ tăng trưởng của dân số trong độ tuổi lao động. Nói cách khác, các chính sách kinh tế của tổng thống Obama và đảng Dân Chủ được xem là thành công trong vài năm qua thì chưa chắc đã còn thích hợp trong thời gian sắp tới.

Nhàn Đàm