Yêu cầu có lộ trình xóa bù chéo giá điện sinh hoạt cho sản xuất
Chiều 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 36, thảo luận dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Luật hiện hành quy định "thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý với các nhóm khách hàng", nhưng gần 10 năm qua cơ cấu biểu giá bộc lộ bất cập khi người dân phải bù chéo cho sản xuất. Tức là, giá điện sinh hoạt của người dân chi trả cao hơn điện bán sản xuất của doanh nghiệp và người dùng nhiều bù cho dùng ít. Trong khi đó, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đưa ra định hướng không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.
Do đó, ở lần sửa đổi này, Chính phủ cho biết dự thảo Luật Điện lực bổ sung quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ hợp lý, giảm dần và tiến tới xóa bỏ bù chéo giá giữa các vùng miền và nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Cơ chế giá điện cũng được áp dụng phù hợp với các nhóm khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn.
Thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường cho rằng việc bổ sung các quy định về xây dựng chính sách giá điện tiến tới sát thị trường là phù hợp. Song, theo cơ quan thẩm tra, các quy định về giảm bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng chưa thể hiện cụ thể tại dự thảo luật.
"Dự thảo luật cần đưa ra nguyên tắc, lộ trình rõ ràng hơn về xóa bỏ bù giá chéo giữa các nhóm khách hàng. Việc này nhằm đảm bảo bình đẳng xã hội, nguyên tắc thị trường và khuyến khích tiết kiệm điện trong ngành sản xuất", Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường nhận xét, đồng thời đề nghị bổ sung cơ chế về giá điện hai thành phần, nhập khẩu và xuất khẩu.
Năm ngoái, khi giải trình bổ sung chất vấn gửi Quốc hội, Bộ Công Thương từng thừa nhận "vẫn tồn tại bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện ở các mức độ khác nhau". Bởi, do có sự thay đổi về cơ cấu sử dụng điện, nên giá bán cho các nhóm khách hàng không phản ánh kịp thời chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới mục tiêu sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.
Thực tế, theo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện nay, có thời điểm điện cho sản xuất bằng 52% giá bình quân, trong khi giá đối với hộ nghèo chính sách, ưu đãi lớn nhất cũng bằng 90% giá bình quân. Tương tự, vẫn còn tình trạng bù chéo giữa hộ dùng nhiều bù và sử dụng ít và giữa các vùng miền.
Để khắc phục, cơ quan quản lý cho biết từ 2022 đã nghiên cứu phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Tại bản thảo đưa ra cuối năm ngoái, biểu giá bán lẻ dự kiến rút ngắn còn 5 bậc, thay vì 6 như hiện hành. Khoảng cách giữa các bậc cũng được phân chia lại, phù hợp thực tế dùng điện của người dân và giá ở bậc cao nhất (701 kWh trở lên) trên 3.600 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Đề xuất Chính phủ có quyền quyết cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện
Theo luật hiện hành, Thủ tướng có quyền quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện. Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phân cấp quyết định điều chỉnh. Tuy nhiên, điện là hàng hóa thiết yếu nên việc điều chỉnh giá chịu nhiều sức ép của dư luận và có thể ảnh hưởng tới tình hình kinh tế vĩ mô.
Vì thế, dự thảo luật đề xuất Chính phủ sẽ là cơ quan có thẩm quyền trong ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, thay vì Thủ tướng. Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, trong đó nêu cụ thể thẩm quyền theo từng mức điều chỉnh giá. Thời gian điều chỉnh giá cũng được rút xuống còn 3 tháng, thay vì 6 tháng hiện nay. Việc này để giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp biến động thực tế, thông số đầu vào sản xuất và bù đắp các chi phí, lợi nhuận hợp lý, bảo toàn vốn kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng bổ sung quy định về xây dựng khung giá phát của đơn vị phát điện, giá hợp đồng mua bán điện; giá tạm giữa bên bán và mua điện.
Thẩm tra các nội dung này, Thường trực Ủy ban này nhận thấy các quy định về giá điện hầu hết đều giao Bộ Công Thương xây dựng, thẩm định. Nội dung này đã được quy định tại Luật Điện lực năm 2004. Tuy nhiên, việc xây dựng, thực hiện giá điện chưa hiệu quả, chưa minh bạch hết các thành phần cấu thành giá. Trong khi đây là một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo công bằng, minh bạch của thị trường điện cạnh tranh.
Do đó, Ủy ban này đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về trách nhiệm công khai minh bạch các loại giá (truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện). Cơ quan soạn thảo cũng cần rà soát quy định về thẩm quyền, hình thức và phương pháp định giá điện, dịch vụ về điện để thống nhất với Luật Giá.
Cùng với đó, cơ quan soạn thảo được đề nghị nghiên cứu cơ chế để cân bằng, bình ổn giá điện thông qua quỹ hoặc tài khoản cân bằng giá mặt hàng này.
Nhà nước có thể độc quyền xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Điểm mới tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này là đề cập tới phát triển điện hạt nhân. Theo đó, điện hạt nhân là một trong số loại năng lượng mới. Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện loại này, bên cạnh độc quyền về đầu tư nhà máy thủy điện đa mục tiêu và các dự án nguồn, lưới điện khẩn cấp; điều độ hệ thống điện.
Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường, có ý kiến cho rằng Việt Nam có tiềm năng về phát triển điện hạt nhân và thời gian qua đã chuẩn bị bước đầu cơ bản. Trong bối cảnh thế giới đang quay trở lại đầu tư, việc phát triển nguồn năng lượng này trở nên quan trọng. Mặt khác, điện hạt nhân được xem là một phương án quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng và đạt mục tiêu net zero vào năm 2050, như cam kết của Chính phủ.
Tuy nhiên, thường trực Ủy ban cho rằng, quy định về điện hạt nhân trong dự thảo luật cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Các quy định nguyên tắc về loại nguồn điện này cần được dẫn chiếu tới Luật Năng lượng nguyên tử. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng cần cung cấp căn cứ chính trị, cơ sở khoa học, công nghệ và kỹ thuật để hỗ trợ triển khai các dự án điện hạt nhân.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng cần báo cáo cấp có thẩm quyền về mức độ quy định với phát triển điện hạt nhân, cũng bổ sung các quy định về hỗ trợ, quản lý rủi ro, quy định về an toàn và bảo vệ môi trường liên quan đến việc phát triển và vận hành các nhà máy điện này.
Liên quan tới khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các cơ chế phát triển nguồn lưu trữ điện. Việc này nhằm tăng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, với tỷ lệ phù hợp theo Quy hoạch điện VIII.
Về phát triển điện gió ngoài khơi, thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng tiềm năng loại nguồn điện này rất lớn, nhiều nhà đầu tư quan tâm phát triển. Hiện suất đầu tư rất lớn, khoảng 2 - 3 tỷ USD cho 1 GW và thời gian thực hiện từ 6-8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát, tùy quy mô công suất, khu vực triển khai dự án. Tuy nhiên, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực rất mới tại Việt Nam, liên quan đến quốc phòng an ninh, chủ quyền biển đảo và nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành, cơ quan. Do vậy, cơ quan này đề nghị dự thảo luật cần có quy định chặt chẽ về điều kiện chuyển nhượng dự án, trách nhiệm từng bộ, ngành trong phát triển loại nguồn điện này.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 9 chương với 121 điều, dự kiến trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp vào tháng 10.