'Không nên mua điện thoại 4G trôi nổi trên mạng lúc này'
Trong cảnh báo hàng tuần vừa được đưa ra, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông nêu tình trạng người dân mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng trên mạng xã hội, trong đó có điện thoại 4G.
Lợi dụng nhu cầu đổi điện thoại từ 2G sang 4G của người dân, đa số là người cao tuổi có nhu cầu dùng máy có phím bấm, còn gọi là "cục gạch" hay feature phone, kẻ gian chào bán "máy 4G giá rẻ". Những nhóm này thường hoạt động trên mạng xã hội, thông qua các bài đăng để chào bán và tìm khách hàng, với những lời giới thiệu như "3G hay 4G đều xài thoải mái", "điện thoại 4G giá rẻ".
Theo ghi nhận của Cục, trong số đó có những sản phẩm thực chất là điện thoại 2G đời cũ, hoặc smartphone 3G đã qua sửa chữa, được rao bán với giá vài trăm nghìn đồng. Khi thời hạn tắt sóng 2G diễn ra giữa tháng 9, những sản phẩm này sẽ không thể tiếp tục sử dụng.
"Nhiều người ham rẻ, thiếu kiến thức đã đặt mua điện thoại của các đối tượng lừa đảo, đến khi nhận máy, lắp SIM mới phát hiện mua phải điện thoại 2G", Cục khuyến cáo.
Theo Cục An toàn thông tin, do việc mua bán diễn ra online, nhắm tới người có tuổi, họ khó phân biệt được điện thoại 4G thật hay giả. Ngoài ra, kẻ gian sau khi lừa bán thành công sẽ chặn tài khoản người mua hoặc xóa tài khoản của chính mình, khiến không thể yêu cầu đổi trả.
Để tránh tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không nên mua mặt hàng trôi nổi trên mạng xã hội. Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, cần báo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ và ngăn chặn.
Điện thoại "giả 4G" được phát hiện trên thị trường từ giữa năm ngoái, khi nhà mạng bắt đầu đẩy mạnh chiến dịch chuyển đổi máy 2G lên 4G. Theo một người kinh doanh lâu năm trong ngành, khi đến thời hạn tắt sóng 2G, những máy này sẽ không thể sử dụng, nên những người bán đang "ôm" nhiều hàng sẽ tìm cách đẩy sản phẩm này ra thị trường nhằm thu hồi vốn. Trong bối cảnh gần 10 triệu thuê bao cần chuyển đổi điện thoại một tháng tới, dẫn đến nguy cơ thiếu hàng triệu máy 4G giá rẻ, các nhóm lừa đảo có thể lợi dụng để dụ người dùng mua thiết bị chất lượng kém.
Theo đại diện một hệ thống bán lẻ lớn tại Việt Nam, điện thoại 4G hiện có giá từ 390 nghìn đồng trở lên, nhưng số lượng, mẫu mã không nhiều, do đó, người dùng cẩn trọng trước lời rao khó kiểm chứng.
Theo thống kê của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có hơn 120 triệu thuê bao di động, trong đó khoảng 10 triệu vẫn dùng thiết bị chỉ kết nối 2G. Hạn cuối được công bố để các nhà mạng tại Việt Nam dừng hỗ trợ hoàn toàn điện thoại 2G là ngày 16/9. Sau mốc này, sóng 2G vẫn sẽ được duy trì đến 2025, chủ yếu để hỗ trợ các thiết bị 4G khi cần thiết.