Lừa bán 'điện thoại 2G gắn mác 4G' giá rẻ
Đầu tháng 8, bà Ngọc (48 tuổi ở Quảng Yên, Quảng Ninh) tìm mua điện thoại 4G sau khi máy 2G đang dùng bị cắt chiều gọi đi và nhà mạng thông báo thiết bị sẽ không dùng được từ tháng 9. Tuy nhiên, các cửa hàng gần nhà báo điện thoại "cục gạch" 4G đang khan hàng, chờ nhập thêm, hoặc chỉ còn mẫu Nokia giá 700 nghìn đồng. Smartphone giá rẻ có sẵn nhưng cũng đều trên một triệu đồng. "Tôi không biết dùng điện thoại cảm ứng, cũng không có nhu cầu lên mạng nên chỉ tìm 'cục gạch' để lắp sim nghe gọi", bà nói.
Cuối tuần trước, khi đi chợ, bà được một nhóm bán điện thoại dạo tiếp cận, mời mua điện thoại 4G. Đúng lúc có nhu cầu, bà chọn một máy cơ bản giá 250 nghìn đồng. Nhưng khi về nhà và thay sim, bà phát hiện đây vẫn là điện thoại 2G.
Ông Nguyễn Như Thành, Phó giám đốc ngành hàng điện thoại di động - hệ thống FPT Shop, cho biết: "Gần đây chúng tôi nhận phản ánh từ một số khách hàng bị lừa khi mua điện thoại 4G, thực tế là 2G. Nhiều trường hợp liên quan đến việc mua bán hàng không rõ nguồn gốc, tại chợ với giá rất rẻ".
Trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử cũng xuất hiện nội dung rao bán điện thoại 4G vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên theo đại diện một hệ thống bán lẻ top đầu ở Việt Nam, điện thoại 4G hiện đều có giá từ 390 nghìn đồng trở lên, nhưng số lượng, mẫu mã không nhiều. Do đó, người dùng nên cẩn trọng trước lời rao khó kiểm chứng.
Các hệ thống bán lẻ lớn tại Việt Nam đều ghi nhận doanh số điện thoại 4G giá rẻ tăng đột biến. Tại một số cửa hàng nhỏ xảy ra tình trạng tăng giá do nguồn cung không đủ. Sức mua chủ yếu từ người dùng ở khu vực nông thôn.
Theo ông Nguyễn Như Thành, để tránh mua nhầm điện thoại 4G giả trong bối cảnh cắt sóng 2G, người dùng nên kiểm tra kỹ sản phẩm, chọn máy tại hệ thống, cửa hàng uy tín. Các nhà mạng lớn như Vinaphone, Viettel, Mobifone đều có chương trình đổi máy 2G, thậm chí tặng điện thoại 4G mới khi đăng ký gói cước sử dụng tương ứng.
Theo thống kê của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có hơn 120 triệu thuê bao di động, trong đó số người dùng điện thoại 2G vẫn còn khoảng gần 11 triệu.
Tại tọa đàm về tắt sóng 2G ngày 18/7, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Viễn thông, cho biết lượng thuê bao chỉ sử dụng mạng 2G (2G Only) còn nhiều do người dân gặp khó khăn về chi phí. Đối với người ở vùng sâu vùng xa, việc đổi thiết bị vài trăm nghìn đồng cũng là vấn đề lớn.
Ngoài ra, dù đã cấm máy 2G nhập vào Việt Nam từ 2021, nhiều sản phẩm vẫn lưu thông trên thị trường. Từ tháng 3, nhà mạng được chỉ đạo không cho thiết bị không hợp quy nhập mạng, giúp giảm đáng kể loại máy này. Tuy nhiên theo ông Nhã, các cửa hàng vẫn còn máy tồn và có thể xảy ra tình trạng hạ giá để xả hàng, thu hồi vốn. Nếu mua nhầm, người dùng vừa mất tiền vừa không thể sử dụng.
Hạn cuối được công bố để nhà mạng tại Việt Nam dừng hỗ trợ hoàn toàn điện thoại 2G là ngày 16/9. Sau mốc này, sóng 2G vẫn được duy trì đến 2025, chủ yếu để hỗ trợ các thiết bị 4G khi cần thiết.