|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Động lực cho thương mại điện tử Việt trong 10 năm tới

15:00 | 18/08/2024
Chia sẻ
Thị trường quốc tế được dự đoán sẽ là động lực phát triển tiếp theo cho thương mại điện tử Việt.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2023, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam ước đạt trên 25%, đưa quy mô thị trường lên 25 tỷ USD, trong đó, bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.

Tại toạ đàm mới đây về thương mại điện tử và động lực phát triển lĩnh vực này ở Việt Nam trong những năm tới, PGS.TS Trần Minh Tuấn, cho biết mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025 là kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP cả nước. Trong đó, kinh tế số liên quan đến TMĐT được kỳ vọng sẽ đóng góp ngày càng lớn, đạt tối thiểu 50% tổng giá trị kinh tế số cả nước.

 Một người giao hàng của Shopee đang thực hiện công việc. (Ảnh: Thành Vũ).

Năm 2023, TMĐT đã đóng góp khoảng 15%-17% trong tổng giá trị kinh tế số quốc gia. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử và Chính phủ số đã xác định mỗi hộ nông dân, mỗi hộ kinh doanh đều có thể trở thành cửa hàng trực tuyến trên TMĐT, từ đó tăng cường khả năng tiếp thị và quảng bá sản phẩm, dịch vụ.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, TMĐT đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

CEO Shopee Việt Nam cho biết sàn này đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với TMĐT. Họ không chỉ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường nội địa mà còn hướng tới việc xuất khẩu ra các thị trường lớn hơn như Đông Nam Á và Nam Mỹ.

Shopee hiện đang tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận TMĐT thông qua các khóa huấn luyện kỹ năng, công cụ, và cơ chế vận hành phù hợp. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt phát triển tốt hơn và bền vững hơn, tạo điều kiện thuận lợi để họ vươn ra thị trường quốc tế.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Shopee đang cố gắng đưa ra các chương trình huấn luyện, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ mới, cách thức tiếp thị hiện đại như livestream và video. Đây là những cách tiếp cận tiên tiến nhất trên thế giới, giúp đẩy mạnh kinh doanh trong tương lai.

"Chúng tôi đặt mục tiêu là từ nay đến cuối năm là 1.000 doanh nghiệp nhưng thực ra trong tương lai rất gần sẽ là 100.000 doanh nghiệp có khả năng đưa những sản phẩm ra thị trường nước ngoài", ông Trần Tuấn Anh nói.

TMĐT không chỉ là công cụ hỗ trợ tiêu thụ nội địa mà còn là cầu nối giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế. PGS.TS Trần Minh Tuấn nhấn mạnh, TMĐT xuyên biên giới đang mở ra nhiều cơ hội lớn, đặc biệt khi Việt Nam gần với thị trường Trung Quốc - một thị trường tiềm năng với hơn 1 tỷ dân.

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã xây dựng nền tảng TMĐT B2B, kết nối với các nền tảng lớn như Amazon, Alibaba, Timo... Điều này giúp hàng hóa Việt Nam khi xuất hiện trên các sàn TMĐT nội địa cũng sẽ xuất hiện trên các nền tảng quốc tế, kết nối người mua trực tiếp với nhà sản xuất.

 Ông Trần Tuấn Anh, CEO Shopee Việt Nam tại buổi toạ đàm về phát triển TMĐT Việt Nam do Cổng TTĐT Chính Phủ tổ chức. (Ảnh: VGP).

Việc sử dụng ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ vùng trồng, sản xuất đến các vấn đề môi trường, giảm phát thải carbon, bảo vệ thực vật và đảm bảo chất lượng là những yếu tố quan trọng để TMĐT Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thương mại điện tử xuyên biên giới không chỉ là xu thế mà còn là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường nước ngoài.

TS Võ Trí Thành cho rằng, để hàng hóa và dịch vụ Việt Nam (bao gồm cả TMĐT) có thể phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt cần xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này đòi hỏi phải có sự kết nối mạnh mẽ với các nền tảng lớn như Amazon, và đảm bảo các mặt hàng Việt Nam có chất lượng đồng nhất, quy mô sản xuất lớn và đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững, an toàn, và nhân văn.

TMĐT không chỉ là phương tiện giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, mà còn là nền tảng để hàng Việt tiếp cận thị trường quốc tế. Với hơn 80% người dùng Internet ở Việt Nam đã từng mua sắm trực tuyến, TMĐT đang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân.

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, các doanh nghiệp cần vượt qua nhiều thách thức. Một trong số đó là hiểu rõ và áp dụng các công nghệ mới, chẳng hạn như livestream, sử dụng người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường dễ dàng hơn và tạo ra những câu chuyện thương hiệu mạnh mẽ, gắn liền với bản sắc văn hóa và truyền thống Việt Nam.

Thành Vũ

Chứng khoán Mỹ đi ngang, chờ đợi quyết định lãi suất của Fed
Sau khi chạm mức cao nhất mọi thời đại trong phiên, hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones kết phiên gần như đi ngang. Thị trường đang chờ đợi quyết định cắt giảm lãi suất của Fed vào ngày 18/9.