|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ý tưởng dùng ô tô điện làm xe chạy dịch vụ taxi của ông Phạm Nhật Vượng liệu có khả thi?

11:22 | 14/03/2023
Chia sẻ
Theo đánh giá, tại thời điểm hiện tại, ô tô điện giúp tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và chi phí nhiên liệu hơn so với xe xăng.

Xu hướng dùng ô tô điện chạy taxi

Vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng, đã công bố quyết định thành lập công ty GSM - hoạt động trong lĩnh vực cho thuê xe điện và xe taxi điện. Ông Vượng nắm 95% vốn điều lệ công ty này.

Toàn bộ xe do GSM cung cấp và sử dụng là ô tô điện VinFast, với quy mô đầu tư 10.000 xe. Như vậy, GSM sẽ là hãng taxi thuần điện đầu tiên của Việt Nam. Dự kiến hãng taxi của ông Phạm Nhật Vượng sẽ đi vào hoạt động từ tháng 4/2023. 

Trước GSM, vào giữa năm ngoái, một hãng taxi có trụ sở tại TP HCM đã nhập lô 50 xe điện VinFast VF e34 để sử dụng cho dịch vụ vận chuyển hành khách. 

 Đội taxi điện đầu tiên ở Việt Nam. (Ảnh: VinFast).

Tiềm năng của việc sử dụng ô tô điện trong ngành vận tải taxi là đáng hứa hẹn. Theo hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, dự báo thị trường taxi điện trong giai đoạn 2020 - 2025 có thể tăng trưởng kép hàng năm là 12%. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là thị trường taxi điện lớn nhất thế giới.

Không chỉ tại Việt Nam, ở Trung Quốc vào năm 2020, thành phố Thâm Quyến cho biết khoảng 99% trong số 21.689 xe taxi hoạt động trong thành phố là xe điện. Hay như tại Mỹ, một số hãng xe taxi cũng đã chuyển sang sử dụng ô tô điện. Xe điện taxi được sử dụng ở đây là Tesla và dòng xe Nissan Leaf đến từ Nhật Bản. 

Dữ liệu của Bộ Giao thông Hàn Quốc, trong 7 tháng đầu năm 2022, đã có tổng cộng 20.296 chiếc ô tô mới đăng ký làm xe taxi ở quốc gia này. Trong đó, có đến 7.394 chiếc ô tô điện, chiếm 36,4%. So với con số 1.029 chiếc vào năm 2019, lượng ô tô điện dùng làm xe taxi tại Hàn Quốc đã tăng mạnh.

Chính phủ Ấn Độ cũng đang thúc đẩy các nhà khai thác đội xe dịch vụ vận tải hành khách như Ola, Uber... mở rộng đội xe điện và chuyển đổi 40% phương tiện của họ sang xe điện

Phía hãng xe điện VinFast nhận định chạy taxi bằng ô tô điện là giải pháp hiệu quả để tối ưu chi phí vận hành, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh giá xăng dầu leo thang.

“Trong bối cảnh giá xăng dầu leo thang việc cân đối lợi nhuận của người chạy xe dịch vụ trở nên khó khăn hơn. Một giải pháp phù hợp lúc này là chạy taxi bằng ô tô điện - phương tiện đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như động cơ bền bỉ, tính năng an toàn nổi trội đồng thời không bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu”, hãng xe Việt cho biết.

Giảm 40% chi phí so với chạy xe xăng

Theo VinFast, ô tô điện là lựa chọn phù hợp với mô hình kinh doanh dịch vụ chạy taxi. Hãng xe điện của Việt Nam đưa ra các lý do cho lập luận này. Cụ thể, xe điện không có quá trình đốt cháy nhiên liệu, tỷ lệ phát thải từ ắc quy thấp hơn xe xăng khoảng 40%. Đồng thời, xe điện cũng không tạo ra tiếng ồn khi di chuyển.

Ô tô điện cũng có phạm vi di chuyển dài sau một lần sạc. Với các dòng pin hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế được trang bị trên các dòng xe điện giúp cải thiện phạm vi di chuyển lên tới hàng trăm km.

Đơn cử, với VinFast VF e34, mẫu ô tô điện này đã được trang bị công nghệ pin Lithium - ion đạt tiêu chuẩn IP67 với khả năng chống nước. Thời gian sạc đầy xe chỉ khoảng 8-10 giờ, cùng với đó là phạm vi di chuyển khoảng 285 km. Ngoài ra, VinFast cũng cung cấp giải pháp sạc nhanh cho phép xe đi được khoảng 180km chỉ sau khoảng 18 phút sạc.

Với hệ thống 150.000 cổng sạc trên 63 tỉnh thành khắp cả nước của VinFast, vấn đề năng lượng trên các cung đường liên tỉnh cũng sẽ được giải quyết.

Một ưu thế khác khi dùng ô tô điện để chạy dịch vụ taxi theo VinFast đó là tiết kiệm chi phí. Với cấu tạo đơn giản, VinFast cho biết chi phí bảo dưỡng sẽ tiết kiệm khoảng 40% so với xe xăng cùng phân khúc. Trong đó, quy trình bảo dưỡng chủ yếu tập trung vào hai bộ phận quan trọng là pin và động cơ.

Với pin, trong xe VinFast VF e34, người mua xe sẽ có hai lựa chọn: Gói thuê pin linh hoạt: 657.500 đồng/tháng cho quãng đường tối đa 500 km/tháng. Trường hợp đi quá 500km, khách hàng sẽ trả thêm phí thuê pin theo đơn giá 1.315 đồng/km vượt.

Gói thuê pin cố định: 1,805 triệu đồng/tháng, không giới hạn số km sử dụng. Bắt đầu từ ngày 11/9/2022, VinFast áp dụng tính phí chuyển đổi gói cước thuê pin đối với xe VF e34. Mức phí mỗi lần chuyển đổi gói cước là 4,12 triệu đồng/lần.

“Chính sách thuê pin còn giúp doanh nghiệp, cá nhân chạy dịch vụ taxi không phải chịu rủi ro về pin trong quá trình vận hành. Ngoài ra, giá thuê bao pin của các dòng xe được bán ra trong năm 2022 và 2023 sẽ được cố định trong suốt vòng đời sản phẩm, thay vì điều chỉnh tăng theo giá xăng dầu và giá điện như chính sách đã công bố trước đó”, phía công ty của ông Phạm Nhật Vượng khẳng định.

Chi phí nhiên liệu thấp

Ngoài các vấn đề trên, chi phí vận hành là một yếu tố quan trọng trong chạy xe taxi. Theo thông tin từ VinFast khẳng định, ô tô điện có chi phí vận hành tiết kiệm hơn xe xăng.

Giả sử, mức tiêu hao nhiên liệu trung bình của xe xăng hạng C là 7,8 lít/100km. Chi phí nhiên liệu tiêu thụ của một chiếc xe xăng cho quãng đường di chuyển 500km được tính như sau: Giá xăng x 7,8 x 5 = Chi phí tiêu thụ

Tính theo giá xăng tại thời điểm tháng 14/3/2023 đối với quãng đường 500km, chi phí nhiên liệu cho một chiếc xe xăng hạng C như sau:

Loại xăng sử dụng

Đơn giá (đồng/lít)

Chi phí nhiên liệu cho quãng đường 500km (đồng)

Xăng RON 95-V

24.710

963.690

Xăng RON 95-III

23.818

928.902

Xăng E5 RON 92-II

22.806

889.434

Trong khi đó, tính theo giá điện bậc 5 do Bộ Công Thương công bố mới nhất là 3.356 đồng/kWh (đã bao gồm VAT), chi phí để sạc xe ô tô điện VinFast VF e34 cho quãng đường 500km là: 13,4 x 3.356 x 5 = 224.852 đồng                                    

Ngoài ra, với chính sách thuê pin cho quãng đường 500km có giá là 657.500 đồng/tháng. Do vậy, tổng chi phí tiêu hao của VinFast e34 đối với quãng đường đi 500km là: 657.500 + 224.852 = 882.352 đồng

Từ ví dụ trên, xe ô tô điện VinFast VF e34 có mức chi phí vận hành tiết kiệm hơn so với xe xăng, đặc biệt trong thời điểm xăng đang tăng như hiện nay.

Đức Huy