Ý kiến trái chiều về dự án lấn sông xây biệt thự ở Đà Nẵng
Hai dự án này đều đã được thành phố cấp phép cho xây dựng khu biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp, toà nhà cao tầng (phía đường Trần Hưng Đạo và Lê Văn Duyệt).
Khu vực dự án bất động sản và bến du thuyền sau 5 năm. Ảnh: Nguyễn Đông.
Dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng được phê duyệt từ năm 2009 và 10 năm qua đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch. Cụ thể, năm 2017, thành phố điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm diện tích từ hơn 17 ha xuống còn gần 12 ha, trong đó giữ nguyên diện tích đất và giảm diện tích mặt nước từ trên 6 ha xuống một ha.
Ngoài ra, khu vực bờ sông điều chỉnh từ 13 khối tháp cao tầng còn hai khối tháp (từ 16 - 33 tầng) và 57 căn biệt thự; duy trì lối đi công cộng ven sông rộng 8 m.
Từ năm 2016, người dân Đà Nẵng đã gửi phản ánh trên hệ thống chính quyền điện tử thành phố, với lo lắng dự án đổ đất lấn sông ở vị trí cửa sông Hàn sẽ gây ảnh hưởng đến dòng chảy, đặc biệt là mùa mưa lũ. Sở Xây dựng sau đó có văn bản trả lời, khẳng định không ảnh hưởng.
Theo Sở này, trước khi đồng ý cho nhà đầu tư xây dựng bờ kè và làm dự án, thành phố đã khảo sát điều kiện địa chất, nghiên cứu dòng chảy và lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Việc làm tuyến đê, kè này nhằm mục đích "đảm bảo an toàn cho khoảng 500.000 người dân tại các khu đô thị Mân Quang, khu dân cư làng cá Nại Hiên Đông, chống sạt lở bờ sông, bảo vệ các công trình kiến trúc...".
Ông Thái Ngọc Trung - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cũng nhấn mạnh hai khu đất trên "không phải là dự án lấn sông".
"Bờ kè quy hoạch từ năm 2008, còn các dự án được cấp phép sau. Chủ đầu tư đổ đất trên diện tích quy hoạch bờ kè nên không phải là lấn sông", ông Trung nói.
Chuyên gia thuỷ lợi Huỳnh Vạn Thắng - nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng cho biết, ông là người trực tiếp thẩm định dự án bất động sản và bến du thuyền, đưa ra ý kiến tham mưu cho thành phố triển khai.
Lý giải việc dự án không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, ông Thắng nói từ thời Pháp thuộc đã cho xây dựng một bờ kè dẫn dòng từ sông Hàn ra đến cảng Tiên Sa (dưới bán đảo Sơn Trà), nhờ đó dòng sông không bị bồi lấp hay thay đổi dòng chảy trong hơn 100 năm qua.
"Dự án đang triển khai nằm trong tuyến đê kè phía trong giúp chống sạt lở bờ sông, không lấn ra lòng sông vì không vượt qua bờ kè dẫn dòng thời Pháp, nghĩa là không cản trở dòng chảy. Ở đây có chăng vấn đề là mất mỹ quan nơi cửa sông", ông Thắng nói.
KTS Hồ Duy Diệm nêu quan điểm "Đà Nẵng nên dừng dự án ở cửa sông". Ảnh: Nguyễn Đông.
Nhiều chuyên gia đã phản bác lại lập luận của ông Thắng và Sở Xây dựng.
"Dự án rõ ràng đã thu hẹp dòng chảy tự nhiên của sông Hàn, gây ra xung đột khi nước từ thượng nguồn thoát ra biển", KTS Hồ Duy Diệm - Chủ tịch Hội bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam nói.
Theo chuyên gia này, lòng sông Hàn bị nhồi đất và các trụ kè bê tông cứng thì sau này sẽ xảy ra hệ lụy; khi hai bên bờ bê tông hóa dĩ nhiên lòng sông sẽ bị bào sâu lớp cát để nước kịp chảy; nếu nước không thoát kịp thì gây ngập úng. Hơn nữa, theo thời gian, đoạn cửa sông bị thắt lại, nước sẽ khoét sâu đáy hai bên bờ khiến bờ có thể đổ sập.
"Sở và các đơn vị đã tham mưu cho thành phố cấp phép, dĩ nhiên họ khẳng định là đúng. Nhưng ngay khi dự án chưa triển khai, dư luận phản ứng thì thành phố nên cho tạm dừng để tổ chức hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia. Tôi đề nghị dừng dự án và hoàn trả lại nguyên trạng cho dòng sông", ông Diệm nói thêm.
PGS, TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam cho rằng, chính quyền Đà Nẵng không nên để doanh nghiệp đổ đất xuống sông Hàn làm dự án bất động sản, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu rõ rệt như hiện nay.
"Trên thế giới không ai đi lấn sông cả, trong khi đó sông Hàn lại rất nhỏ", ông Hồng nói và cho rằng dòng sông hình thành từ tự nhiên, trải qua những trận mưa, lũ từ thượng nguồn đổ về xói dần và tạo thành dòng ổn định. Do đó phải giữ đủ diện tích để tiêu nước mưa và thoát lũ. Nếu lấn sông sẽ gây ra ngập úng, chưa kể còn ảnh hưởng đến tiêu nước ngầm.
Hai dự án ven sông đang đồng loạt triển khai hạ tầng trước khi xây dựng nhà cửa. Ảnh: Nguyễn Đông.
TS Hồng đề xuất Đà Nẵng giao cơ quan chuyên môn tính toán, với lượng nước mưa dự báo trong bao nhiêu năm thì dòng sông có thể dâng nước lên bờ và gây ngập. Nhiều nước ở châu Phi và Nhật Bản đã gặp tình cảnh khi lũ tràn lên thì dân chạy không kịp. Trong khi đó mật độ dân cư ven sông Hàn đang ngày càng đông lên.
Vẫn theo ông Vũ Trọng Hồng, ngành nông nghiệp Đà Nẵng dựa vào những số liệu trước đây để tham mưu cho thành phố cấp phép dự án cũng cần phải xem lại. Vì đang trong thời kỳ biến đổi khí hậu nên tất cả những số liệu cũ không còn phù hợp nữa.
"Các nước đang chung tay chống biến đổi khí hậu. Đà Nẵng lại cho đổ đất đá xuống sông, rồi xây dựng bê tông hóa là không nên. Sông Hàn cần được mở rộng ra nữa mới giúp tiêu nước cho khu đô thị trong tương lai, chứ không nên lấn và không được lấn", ông Hồng nhấn mạnh.