|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ý định vào Việt Nam của BYD triển khai đến đâu?

13:54 | 28/03/2024
Chia sẻ
Theo các nguồn thông tin, một khu công nghiệp ở Phú Thọ có thể là nơi được chọn để đặt nhà máy sản xuất xe điện trong tương lai của BYD.

Tại phiên họp thường niên sáng 28/3, trước câu hỏi của cổ đông về việc BYD có thể đặt nhà máy sản xuất xe điện tại khu công nghiệp Phú Hà của Viglacera (thuộc Gelex), ông Lương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Gelex, thông tin:

"Về địa điểm thuê đất, lãnh đạo BYD cũng đã sang Việt Nam, cũng đã quyết định chọn khu công nghiệp Phú Hà để nghiên cứu đầu tư. Viglacera, BYD và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ có một quá trình đàm phán tương đối dài. Tuy nhiên, việc thực hiện chính thức phụ thuộc vào chiến lược của BYD cũng như tình hình thị trường xe điện. Về phía Viglacera, công ty cũng đang dành khoảng 100 ha đất thương phẩm sẵn sáng, nếu như BYD có nhu cầu".

Theo ông Tùng, Viglacera sẵn sàng quỹ đất 100 ha nếu BYD đầu tư nhà máy sản xuất xe điện tại Phú Hà. Hiện hãng xe điện Trung Quốc chưa có thông tin chính thức về kế hoạch cụ thể vào Việt Nam xây nhà máy hay phân phối xe điện.

Tháng 5 năm ngoái, trao đổi với Bloomberg sau cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ông Wang Chuanfu - Chủ tịch kiêm Sáng lập BYD nói rằng hãng xe có kế hoạch sản xuất tại Việt Nam và mong có sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam.

Ông Wang hy vọng Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để BYD hoàn thành các thủ tục đầu tư để có thể nhanh chóng bắt đầu sản xuất ô tô điện, bán ra tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu sang các quốc gia Đông Nam Á. BYD cũng có kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

 Bên trong một nhà máy của BYD. (Ảnh: Reuters).

Về giá trị đầu tư, Reuters đưa tin đầu năm ngoái rằng tổng mức đầu tư có thể lên tới 250 triệu USD, công suất 150.000 xe điện/năm. BYD trước đó đã thực hiện đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho hai mẫu xe lai (xe hybrid) là BYD Destroyer 05 và BYD Cruiser 05 tại Việt Nam.

Ngoài xây nhà máy, BYD cũng lên kế hoạch bán xe tại Việt Nam, bước đầu bằng động thái mở đại lý chính hãng ở Hà Nội, dự kiến vào tháng 5. Mẫu xe đầu tiên chào thị trường nằm ở phân khúc sedan và SUV. 

Thời gian đầu, xe điện BYD bán ở Việt Nam sẽ được nhập khẩu Trung Quốc.

BYD cũng đang đầu tư 504 triệu USD xây nhà máy khác ở Thái Lan, dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay. Công ty cũng có kế hoạch xây nhà máy ở Indonesia.

Được thành lập từ 2003, BYD hiện đang là hãng xe điện lớn nhất thế giới, xét theo doanh số trong năm 2023. Theo hồ sơ nộp lên Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong và Thâm Quyến hôm 26/3, lợi nhuận BYD tăng 81% so với cùng kỳ, lên 30,04 tỷ nhân dân tệ (4,17 tỷ USD), mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, doanh thu BYD năm 2023 tăng 42% lên 602,3 tỷ nhân dân tệ sau khi các dòng xe năng lượng mới đạt lượng giao hàng kỷ lục. 

Nói với Bloomberg, Chủ tịch BYD cho biết hãng xe sẽ đẩy nhanh việc mở rộng ra nước ngoài để giúp ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc đi đầu trong cuộc cách mạng bùng nổ NEV (xe năng lượng mới) toàn cầu.

Đức Huy