|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

BYD lãi kỷ lục nhờ chiến lược này, hé lộ con đường thành công cho VinFast

14:51 | 27/03/2024
Chia sẻ
Nhờ lượng đơn giao hàng kỷ lục, hãng xe điện Trung Quốc đã ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc. Tuy vậy, BYD vẫn thể hiện quan ngại khi nhu cầu chi tiêu yếu.

BYD - nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới tính theo doanh số, vừa báo cáo lợi nhuận năm 2023 tăng trưởng mức cao nhất từ trước đến nay nhờ lượng giao hàng kỷ lục và các biện pháp cắt giảm chi phí, theo South China Morning Post.

Theo hồ sơ nộp lên Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong và Thâm Quyến hôm 26/3, lợi nhuận BYD tăng 81% so với cùng kỳ, lên 30,04 tỷ nhân dân tệ (4,17 tỷ USD), mức cao nhất từ trước đến nay. Các nhà phân tích theo dõi cổ phiếu này dự báo lợi nhuận sẽ đạt 30,5 tỷ nhân dân tệ, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Trong khi đó, doanh thu BYD năm 2023 tăng 42% lên 602,3 tỷ nhân dân tệ sau khi các dòng xe năng lượng mới đạt lượng giao hàng kỷ lục. 

Ông Wang Chuanfu, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, nói: "Trong lĩnh vực ô tô, chúng tôi sẽ tăng cường nghiên cứu phát triển và kiểm soát độc lập các công nghệ cốt lõi, đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm".

 Xe năng lượng mới của BYD gồm xe thuần pin điện, xe hybrid kèm sạc và xe chạy bằng hydro. (Ảnh: Reuters).

Vị chủ tịch nói thêm BYD sẽ đẩy nhanh việc mở rộng ra nước ngoài để giúp ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc đi đầu trong cuộc cách mạng bùng nổ NEV (xe năng lượng mới) toàn cầu.

Cổ phiếu BYD tăng 2,4% lên 216 đô la Hong Kong/cp trong phiên giao dịch ngày 26/3. Cổ phiếu này đã tăng 3,9% trong 12 tháng qua và tăng 357% trong 5 năm qua. Thành tích có được nhờ việc người tiêu dùng nội địa thích ứng nhanh với xe điện và biến Trung Quốc thành thị trường lớn nhất thế giới.

BYD đã giao 3,02 triệu xe NEV cho khách hàng toàn cầu vào năm 2023, tăng 62% so với năm 2022. Hầu hết được bán ở Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu ghi nhận 242.765 chiếc được bán ra, chiếm 8% tổng lượng đơn hàng.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh mới đây, BYD cho biết khả năng kiểm soát chi phí của họ cũng đã giúp hãng gia tăng lợi nhuận.

Tăng doanh số và cắt giảm chi phí cũng là chiến lược mà ban lãnh đạo VinFast đề ra trong năm 2024. Trong cuộc họp với nhà đầu tư sau khi công bố kết quả kinh doanh mới đây, bà Lê Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch VinFast toàn cầu cho hay năm 2024, đội ngũ sẽ vẫn tập trung ưu tiên hai nhiệm vụ là tăng doanh số xe bán ra trên toàn cầu và liên tục tối ưu hoá chi phí.

Do đó, công ty sẽ tăng cường giao xe và mở rộng kênh phân phối, tận dụng mạng lưới địa phưong và chuyên môn của đại lý cũng như các nhà bán hàng bên thứ ba. VinFast dự kiến đạt khoảng 400 điểm bán hàng trên toàn cầu vào cuối năm 2024 trong đó gồm 130 điểm tại Bắc Mỹ.

Mục tiêu thứ hai là nỗ lực tối ưu hoá chi phí. Theo bà Thuỷ, công ty đang nghiên cứu các sáng kiến nhằm giảm khoảng 40% chi phí cho một lần sản xuất trong hai năm, kể từ khi mẫu xe được ra mắt. 

Trong đó, một nửa chi phí được tiết giảm từ công tác kỹ thuật, thiết kế lại các bộ phận mới và nâng cao chiến lược nền tảng. Nửa còn lại được tiết giảm từ chi phí tìm nguồn cung ứng và mua hàng, bao gồm cả các đơn vị cung cấp gia công, vận chuyển.

Nếu làm được điều này, theo bà Thuỷ kỳ vọng vào cuối năm, biên lãi gộp VinFast sẽ gần bằng 0%. "Và sau đó chúng tôi sẽ tiến vào vùng lợi nhuận [có lãi - pv] trong năm tới”, bà Thuỷ khẳng định.

Cuộc chiến giảm giá xe

Mặc dù hoạt động kinh doanh cả năm vững chắc, BYD đã chứng kiến lợi nhuận giảm dần theo từng quý. Lợi nhuận ròng giảm 17%, xuống 8,67 tỷ nhân dân tệ trong quý cuối năm ngoái.

“Doanh thu và doanh số bán hàng theo quý đạt mức kỷ lục, nhưng lợi nhuận ròng của công ty lại giảm”, Phate Zhang, người sáng lập CnEVPost, nhà cung cấp dữ liệu xe điện có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết. Vị này giải thích "đây có thể là kết quả của các chương trình khuyến mại bán hàng lớn và ưu đãi cho các đại lý vào cuối năm ngoái".

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh cuộc chiến giá cả leo thang. Triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc đã khiến nhiều nhà sản xuất xe điện phải giảm giá xe để thu hút người mua vào các showroom và bảo vệ thị phần của họ.

BYD xây dựng vị thế thống trị tại Trung Quốc bằng cách định giá xe của mình dưới 200.000 nhân dân tệ. Đầu tháng này, tập đoàn tuyên bố sẽ giảm giá mẫu xe E2 xuống 89.800 nhân dân tệ. Đây trở thành mẫu xe điện thứ 5 của BYD được bán dưới ngưỡng 100.000 nhân dân tệ.

Đầu tháng 3, Xpeng có trụ sở tại Quảng Châu cũng thông báo rằng họ sẽ kéo dài khoản giảm giá 20.000 nhân dân tệ cho mẫu SUV bán chạy nhất G6 của hãng cho đến cuối tháng này, sau khi doanh số giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm vào tháng 2.

Phate Zhang nhận định BYD dự kiến sẽ tạm dừng việc giảm giá trong những tháng tới, sau khi hoàn thành bản cập nhật lớn mới nhất cho hầu hết các mẫu xe.

Thuỳ Trang

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.