|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Xung đột tại Ukraine làm giảm tăng trưởng của các nền kinh tế châu Âu

07:59 | 23/09/2023
Chia sẻ
Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB) cho biết xung đột tại Ukraine đã làm giảm tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng “đáng kể” lạm phát trên toàn châu Âu.

Trụ sở Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) tại Bern. (Ảnh: Reuters).

Trong nghiên cứu công bố ngày 22/9, Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB) cho biết xung đột tại Ukraine đã làm giảm tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng “đáng kể” lạm phát trên toàn châu Âu, đồng thời cảnh báo sẽ còn nhiều tác động tồi tệ hơn ở phía trước.

Báo cáo của SNB nêu rõ kể từ khi xung đột bùng phát tại Ukraine vào tháng 2/2022, châu Âu đã chứng kiến giá năng lượng tăng vọt, thị trường tài chính rối loạn và các nền kinh tế Nga và Ukraine suy giảm mạnh.

Khi đánh giá tác động đến các nền kinh tế Đức, Anh, Pháp, Italy và Thụy Sĩ, nghiên cứu chỉ ra rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý IV/2022 lẽ ra sẽ cao hơn từ 0,1 – 0,7% nếu không xảy ra xung đột tại Ukraine. Lạm phát tại mỗi quốc gia nói trên đáng lẽ phải thấp hơn từ 0,2 - 0,4%.

Theo nghiên cứu trên, Đức là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. GDP của nước này lẽ ra có thể cao hơn 0,7% và lạm phát thấp hơn 0,4% trong quý IV/2022 nếu không xảy ra xung đột. Anh cũng chịu tác động nặng, khi GDP giảm 0,7% và lạm phát tăng 0,2%.

Pháp đáng lẽ sẽ ghi nhận lạm phát thấp hơn 0,3% và GDP cao hơn 0,1% nếu không có xung đột, trong khi lạm phát tại Italy sẽ thấp hơn 0,2% và GDP sẽ cao hơn 0,3%. Tương tự, GDP của Thụy Sĩ lẽ ra sẽ cao hơn 0,3% và lạm phát thấp hơn 0,4% nếu căng thẳng không leo thang.

Vì xung đột tại Ukraine gần châu Âu hơn so với các cuộc xung đột trước đó, nên các nước châu Âu cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn trong vấn đề người di cư và chi tiêu quân sự bổ sung so với trước đây.

SNB nhấn mạnh: “Các tác động tiêu cực của cuộc xung đột tại Ukraine có thể sẽ còn lớn hơn nữa trong trung và dài hạn, đặc biệt liên quan đến nền kinh tế thực. Trong 1-2 năm tới, tác động này có thể lớn gấp đôi".

Bích Liên

Nghiên cứu giảm thuế phí năm 2025, kéo dài thời gian giảm 2% VAT đến tháng 6/2025
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm tổng kết, đánh giá, đề xuất ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất trong năm 2025, nhất là việc tiếp tục gia hạn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025.