|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu tôm năm 2021 có nhiều lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ

07:08 | 07/01/2021
Chia sẻ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Nông sản (VASEP), so với các nước đối thủ, Việt Nam có lợi thế hơn do kiểm soát tốt hơn dịch bệnh COVID-19, các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU, Trung Quốc ưu tiên chọn mua tôm của Việt Nam.

Trong khi các nước sản xuất tôm chính như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan…đều phải chịu những ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 như sản xuất, vận chuyển hàng hóa đình trệ, giá tôm giảm khiến hoạt động thả nuôi chậm, sản lượng tôm giảm.

Theo đó, năm 2020, các trại nuôi tôm phải đối mặt với bệnh vi bào tử trùng (EHP) và bệnh phân trắng, bệnh này khiến tôm giảm tốc độ tăng trưởng và tăng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn.

Hai bệnh này cùng với virus đốm trắng và dịch bệnh COVID-19 làm giảm lợi nhuận và năng suất, mật độ thả nuôi, tỷ lệ sống và giảm 50% tỷ lệ thành công tại các trại nuôi.

Xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Trung Quốc giảm 40% trong 10 tháng đầu năm nay khiến ngành tôm Ấn Độ thua lỗ từ 1,2 tỷ USD - 1,3 tỷ USD trong năm 2020.

Giá tôm Ấn Độ giảm 30% - 40% trong đợt phong tỏa phòng COVID-19 đợt đầu tiên trong tháng 3 và 4/2020, tiếp đó ngành tôm Ấn Độ đối mặt với tình trạng thiếu lao động trong các nhà máy chế biến trên cả nước và thiếu tôm giống hồi tháng 5/2020.

Các vấn đề này khiến sản xuất tôm Ấn Độ giảm 25% trong năm 2020.

Xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ trong năm 2020 cũng không bằng năm ngoái với thị phần giảm. Dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nguồn cung và giá tôm nguyên liệu của Ấn Độ đều bị ảnh hưởng nặng nề. 

Hiện tại, Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới sau Mỹ về số ca nhiễm COVID-19 và sẽ phải mất một thời gian để khôi phục xuất khẩu mạnh trở lại thị trường Mỹ.

Tại Ecuador, nước cung cấp tôm lớn nhất cho Trung Quốc, vẫn chịu những ảnh hưởng nặng nề do Trung Quốc giảm nhập khẩu. Trung Quốc phát hiện coronavirus trên lô tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador trong tháng 7/2020, khiến 3 công ty xuất khẩu tôm lớn nhất của Ecuador bị đình chỉ tạm thời xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. 

Các công ty xuất khẩu tôm khác của Ecuador sau đó cũng giảm xuất khẩu sang Trung Quốc vì họ lo ngại hàng sẽ bị dồn ứ lâu tại biên giới hoặc bị trả về trong khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đối với tôm Ecuador cũng giảm mạnh.

Tháng 11/2020, Ecuador cung cấp 14.800 tấn tôm cho Trung Quốc, giảm 57% so với cùng kỳ trong khi giá trị xuất khẩu đạt 71 triệu USD, giảm 65%. 

Trong tháng 6/2020, trước khi Trung Quốc phát hiện ra coronavirus trên tôm Ecuador, Trung Quốc nhập khẩu với mức cao kỷ lục hàng tháng với 50.000 tấn tôm nước ấm từ Ecuador, trị giá 266 triệu USD.

Còn tại Thái Lan, hôm 19/12, nước này đã buộc phải phong tỏa tỉnh Samut Sakhon, một tỉnh ở miền Tây Nam nước này và là trung tâm của ngành thủy sản quốc gia với hàng nghìn công nhân nhập cư, sau khi ổ dịch COVID-19 bùng phát ở chợ tôm của tỉnh này. 

Ngày 20/12, Thái Lan bắt đầu tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho hàng chục nghìn người và truy tìm dấu vết những người liên quan.

Somsak Paneetatyasai, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Thái Lan, cho biết đợt bùng phát dịch bệnh này là tin xấu đối với xuất khẩu tôm nước này vì có tới 30% tôm của nước này đến từ Samut Sakhon.

Ông Somsak dự báo, xuất khẩu tôm của Thái Lan năm nay sẽ giảm 14%, chỉ đạt 150.000 tấn, với trị giá giảm 21% xuống 44 tỷ bạt, chủ yếu do đại dịch COVID-19 và đồng bath tăng giá.

Theo ông Somsak, đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất này đã làm suy giảm nghiêm trọng nhu cầu tôm đúng vào dịp Giáng sinh và Năm mới, giữa bối cảnh ngành du lịch năm nay vô cùng ảm đạm do dịch COVID-19.

VASEP nhận định trong bối cảnh các nguồn cung đối thủ gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 và tình hình được dự báo chưa thể khả quan hơn cho tới quý I/2021, xuất khẩu tôm Việt Nam nếu đảm bảo tốt khâu nuôi trồng, chế biến thì sẽ tiếp tục đạt được các mốc tăng trưởng trong năm 2021. 

Vắc xin COVID-19 ra đời cùng với lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đang được doanh nghiệp tận dụng sẽ là động lực cho hoạt động xuất khẩu tôm năm 2021.

H.Mĩ