|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ có thể tiếp tục giảm mạnh trong quý II

08:02 | 17/04/2023
Chia sẻ
Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ trong quý II sẽ tiếp tục giảm mạnh do mức nền cao của cùng kỳ năm 2022 và từ quý III/2023 trở đi, đà giảm của xuất khẩu thủy sản sang Mỹ mới chậm lại.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 3 đạt 766 triệu USD, giảm 24% so với tháng 3/2022.

Tính chung quý I/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022 do lạm phát, nhu cầu tiêu thụ giảm, đồng thời mức nền quý I/2022 ở mức cao. So với thời điểm trước dịch COVID-19, xuất khẩu thủy sản quý I/2023 cao hơn 2% so với quý I/2019.

 (Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)

Trong quý đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản giảm mạnh khi xuất khẩu sang hầu hết các thị trường giảm, trong khi xuất khẩu sang Hong Kong, Phillipines, Israel tăng.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong quý I/2023 với kim ngạch 322 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do giá thủy sản giảm. Đà giảm của xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản đã có dấu hiệu chậm lại.

Tương tự, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ cũng giảm 50% so với quý I/2022, chỉ còn 283 triệu USD do nhu cầu tiêu dùng tại thị trường này giảm bởi lạm phát cao, trong khi tồn kho thủy sản vẫn ở mức cao khi các nhà nhập khẩu đã đẩy mạnh nhập khẩu trong nửa đầu năm 2022.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ trong quý II sẽ tiếp tục giảm mạnh do mức nền cao của cùng kỳ năm 2022 và từ quý III/2023 trở đi, đà giảm của xuất khẩu thủy sản sang Mỹ mới chậm lại.

Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc chưa được như kỳ vọng, tiếp tục giảm 37% trong tháng 3/2023, đạt 113 triệu USD. Tính chung quý I, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 238 triệu USD.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định hàng thủy sản của Việt Nam hiện đang chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các nước cung cấp khác.

Như với mặt hàng tôm, Việt Nam chịu sự cạnh tranh lớn của Ecuador và Ấn Độ khi thế mạnh của hai nước này là sản phẩm tôm đông lạnh, cỡ nhỏ, giá rẻ. Các mặt hàng thủy hải sản khác, như các loài cá biển, mực, bạch tuộc... Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu từ các nước khác.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Israel tháng 3 tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 6,5 triệu USD. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Israel đạt 19,5 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2022, đây cũng là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất.

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng dù Israel là thị trường nhỏ nhưng trong bối cảnh nhu cầu từ các thị trường lớn, truyền thống đều đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát, việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường Israel tăng là điểm sáng trong bức tranh chung.

Bộ Công Thương đã hoàn tất Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam và Israel vào ngày 2/4, điều này sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp thủy sản trong thời gian tới. Dù Israel chiếm tỷ trọng chưa cao trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của Việt Nam, nhưng đây là một thị trường rất tiềm năng bởi có sức mua, khả năng thanh toán cao.

Hoàng Anh