|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thép HRC giảm gần 50% trong tháng 4

17:21 | 27/05/2024
Chia sẻ
Bán hàng thép cuộn cán nóng (HRC) đạt gần 492.000 tấn giảm 15% so với tháng 3 và giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu giảm gần 50% xuống 145.000 tấn.

 

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) trong tháng 4 đạt gần 396.000 tấn, giảm 33% so với tháng 3 và giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Bán hàng đạt gần 492.000 tấn giảm 15% so với tháng 3 và giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.  Trong đó, xuất khẩu giảm gần 50% xuống 145.000 tấn.

VSA cho biết thị trường HRC thế giới biến động, kéo theo thị trường trong nước khó khăn theo. Tính đến giữa tháng 5, giá HRC trung bình tại Việt Nam là 542 USD/tấn, giảm 33 USD/tấn so với tháng 3 và giảm đáng kể so với đầu năm 2023. 

 Nguồn: VSA

Hiện tại, cả nước mới có hai doanh nghiệp có thể sản xuất thép HRC là Hoà Phát và Formosa. Trong đó, tính riêng lẻ Hoà Phát, lượng bán hàng của doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ giảm nhẹ so với tháng 3.

Cụ thể, Hoà Phát tiêu thụ 252.000 tấn thép HRC trong tháng 4, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. So sánh với tháng 3, con số này giảm 3%.

Hoà Phát và Formosa cho rằng việc Trung Quốc bán phá giá thép HRC tại thị trường Việt Nam và thế giới đang ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ sản phẩm này.

Trước đó, ngày 19/3, Cục Phòng vệ thương mại nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ của các doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước là Hoà Phát và Formosa. 

Trong buổi gặp mặt nhà đầu tư tại Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất vào ngày 26/3, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết Trung Quốc là quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới với khoảng 1 tỷ tấn thép mỗi năm, đồng thời là quốc gia tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Do đó, ông Thắng theo đó nhấn mạnh việc cạnh tranh với thép Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu của Hòa Phát từ những ngày đầu làm thép.

Thị trường thép Trung Quốc đã có sự thay đổi sau Covid-19 do kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhất là các hoạt động bất động sản bị đóng băng. Tình trạng dư thừa cung buộc các doanh nghiệp nước này phải xuất khẩu  nhiều hơn. 

Tuy nhiên, lãnh đạo Hòa Phát cũng bày tỏ lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm bán dưới giá thành của một số đơn vị nước ngoài.  

Đại diện tập đoàn nói chỉ phản đối trong những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh có thể xảy ra.  

“Khi Trung Quốc dư cung quá lớn, doanh nghiệp chấp nhận bán lỗ. Rất nhiều doanh nghiệp thép của Trung Quốc thua lỗ trong năm ngoái, họ chấp nhận bán dưới giá thành để đưa được sản phẩm ra ngoài. Với thực trạng như thế thì chúng ta cũng phải có những giải pháp phù hợp ”, ông Thắng đưa quan điểm.  

Tại Đại hội Cổ đông Thường niên 2024, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long cho biết việc yêu cầu khởi xướng điều tra HRC là theo tiêu chuẩn của WTO và đây là điều rất thông thường. Ông cho rằng việc thép HRC nhập khẩu  nhiều hơn so với sản lượng trong nước là điều không thể chấp nhận. 

“Chúng ta nên có quan điểm ủng hộ ngành sản xuất trong nước, không thể chấp nhận hàng hoá nước ngoài nhiều hơn sản xuất trong nước. Không một nước nào chấp nhận lượng thép nhập khẩu nhiều hơn nội địa. 30 năm trước chúng ta chưa có tên trên bản đồ thép thế giới nhưng hiện tại đã lớn nhất Đông Nam Á. Do đó, cần có nhìn nhận ủng hộ thép trong nước. Không có lý do gì doanh nghiệp trong nước bỏ ra 7 tỷ USD để đầu tư mà không bảo vệ”, ông Long cho biết

Tuy nhiên, điều này vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép bởi HRC là nguyên liệu đầu vào của họ. Các doanh nghiệp này cho rằng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc không bán phá giá và họ đang phụ thuộc vào nguồn cung này do sản xuất trong nước không đủ. 

H.Mĩ