|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cục PVTM: Vẫn chưa đủ chứng cứ để khởi xướng điều tra CBPG thép HRC

17:43 | 10/04/2024
Chia sẻ
Đại diện Cục Phòng vệ Thương mại cho biết cơ quan này đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) bổ sung thêm thông tin và chứng cứ về việc thép nhập khẩu bán phá giá và những thiệt hại liên quan.

 

Trao đổi với chúng tôi, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại Chu Thắng Trung cho biết hồ sơ yêu cầu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng (HRC) mà các doanh nghiệp gửi chưa đầy đủ để ra quyết định khởi xướng điều tra. 

“Tuần trước, chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp bổ sung thêm thông tin và chứng cứ về việc thép nhập khẩu bán phá giá và những thiệt hại liên quan”, ông Trung cho biết. 

Ông nói thêm theo quy trình, khi  nhận thấy có dấu hiệu hành vi phá giá từ hàng hoá nhập khẩu, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, các doanh nghiệp có quyền nộp hồ sơ yêu cầu chống bán phá giá.

Sau đó, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ thẩm định tính hợp lệ của bộ hồ sơ. Quá trình này kéo dài 15 ngày. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan điều tra sẽ thông báo các doanh nghiệp nộp hồ sơ bổ sung. 

Nếu hồ sơ hợp lệ, trong vòng 45 ngày, căn cứ vào kiến nghị của cơ quan điều tra, Bộ Công Thương sẽ quyết định việc điều tra hay không điều tra. 

Thời hạn điều tra sẽ kéo dài 12 - 18 tháng. Trong thời gian đó, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ  yêu cầu các bên liên quan cung cấp chứng cứ để xem xét một cách toàn diện, khách quan. Từ đó, cơ quan này đưa ra kiến nghị và Bộ Công Thương sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về việc áp thuế hay không? và mức thuế là bao nhiêu?

Kể cả khi Bộ Công Thương quyết định khởi xướng điều tra cũng sẽ chưa có biện pháp nào áp dụng đối với thép nhập khẩu. 

“Trong quá trình điều tra, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ xem xét tất cả yếu tố khách quan nhất, trên cơ sở đó kiến nghị. Thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa thể nói trước được điều gì, chúng tôi sẽ cân nhắc trong quá trình điều tra”, ông Trung nói thêm. 

Ngoài ra, trong quá trình điều tra Cục Phòng vệ Thương mại cũng sẽ tính đến thiệt hại đối với các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép - khách hàng sử dụng thép HRC. 

Trước đó, ngày 13/9, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ của các doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước là Hoà Phát và Formosa. 

Tuy nhiên, điều này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép vì HRC nhập khẩu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của họ trong bối cảnh nguồn cung trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. 

H.Mĩ

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.