|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch Hoà Phát: Không thể chấp nhận hàng hoá nhập khẩu nhiều hơn sản xuất trong nước

10:09 | 11/04/2024
Chia sẻ
Chia sẻ về việc gửi đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá thép HRC, ông Trần Đình Long cho rằng nên quan điểm ủng hộ ngành sản xuất trong nước, không thể chấp nhận hàng hoá nước ngoài nhiều hơn sản xuất trong nước.

Tại Đại hội Cổ đông Thường niên 2024, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long cho biết việc yêu cầu khởi xướng điều tra thép cuộn cán nóng (HRC) là theo tiêu chuẩn của WTO và đây là điều rất thông thường. Ông cho rằng việc thép HRC nhập khẩu nhiều hơn so với sản lượng trong nước là điều không thể chấp nhận. 

“Chúng ta nên có quan điểm ủng hộ ngành sản xuất trong nước, không thể chấp nhận hàng hoá nước ngoài nhiều hơn sản xuất trong nước. Không một nước nào chấp nhận lượng thép nhập khẩu nhiều hơn nội địa. 30 năm trước chúng ta chưa có tên trên bản đồ thép thế giới nhưng hiện tại đã lớn nhất Đông Nam Á. Do đó, cần có nhìn nhận ủng hộ thép trong nước. Không có lý do gì doanh nghiệp trong nước bỏ ra 7 tỷ USD để đầu tư mà không bảo vệ”, ông Long cho biết.

Ông dẫn số liệu của năm 2023 tổng sản lượng trong nước khoảng 6,7 triệu tấn HRC nhưng nhập khẩu 9,6 triệu tấn. 

"Tại Mỹ, nếu lượng nhập khẩu chỉ cần chiếm 10% thị phần họ đã áp thuế chống bán phá. Còn tại Indonesia, con số này là 37%. Quan điểm chúng tôi không đôi co. Mọi thứ để cơ quan điều tra làm rõ", ông cho biết. 

Ông chia sẻ Hoà Phát và Formosa chỉ kiện một số doanh nghiệp Trung Quốc bán phá giá HRC tại Việt Nam. 

"Chúng tôi thừa nhận nỗi lo của các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép là chính đáng. Đây cũng là nỗi lo của các doanh nghiệp đóng tàu, sử dụng thép HRC. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng trong trường hợp áp thuế chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, các doanh nghiệp vẫn có thể nhập khẩu từ Indonesia, Thái Lan. Chưa biết chừng sau khi áp thuế, ngành sẽ có nguyên liệu tốt hơn, giá ổn định hơn. Do đó, các doanh nghiệp cần giữ thái độ bình tĩnh lúc này”, ông Long nói.

Ông Long nói thêm mặc dù phải cạnh tranh với thép Trung Quốc nhưng Hoà Phát vẫn bán được vì ưu thế xuất xứ.

“Các công ty tôn mạ, ống thép dù thích hay không thích vẫn phải mua HRC của của Hoà Phát hoặc Formosa để đáp ứng quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang các nước khắt khe về lẩn tránh thuế như Canada, Mexico, Mỹ…”, ông Long cho biết.

Nói thêm về kế hoạch phân bổ thị trường tiêu thụ HRC sau khi Dung Quất 2 hoàn thành, ông Long cho biết tuỳ thời điểm sẽ ưu tiên trong nước hoặc xuất khẩu. Tuy nhiên, ông nói sẽ ưu tiên bán nội địa trước vì “bán trong nước rất lợi”; nếu không hết thì sẽ xuất khẩu. 

Trước đó, ngày 13/9, Cục Phòng vệ thương mại nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ của các doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước là Hoà Phát và Formosa. 

Trong buổi gặp mặt nhà đầu tư tại Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất vào ngày 26/3, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết Trung Quốc là quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới với khoảng 1 tỷ tấn thép mỗi năm, đồng thời là quốc gia tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Do đó, ông Thắng theo đó nhấn mạnh việc cạnh tranh với thép Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu của Hòa Phát từ những ngày đầu làm thép.

Thị trường thép Trung Quốc đã có sự thay đổi sau Covid-19 do kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhất là các hoạt động bất động sản bị đóng băng. Tình trạng dư thừa cung buộc các doanh nghiệp nước này phải xuất khẩu  nhiều hơn. 

Tuy nhiên, lãnh đạo Hòa Phát cũng bày tỏ lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm bán dưới giá thành của một số đơn vị nước ngoài.  

Đại diện tập đoàn nói chỉ phản đối trong những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh có thể xảy ra.  

“Khi Trung Quốc dư cung quá lớn, doanh nghiệp chấp nhận bán lỗ. Rất nhiều doanh nghiệp thép của Trung Quốc thua lỗ trong năm ngoái, họ chấp nhận bán dưới giá thành để đưa được sản phẩm ra ngoài. Với thực trạng như thế thì chúng ta cũng phải có những giải pháp phù hợp ”, ông Thắng đưa quan điểm.  

Vị này nêu quan điểm đơn giản là khi phát hiện dấu hiệu của việc bán phá giá, tập đoàn sẽ đề xuất với cơ quan để hỗ trợ cho ngành sản xuất trong nước. Thép là ngành xương sống của nền công nghiệp và doanh nghiệp tin rằng sẽ được ủng hộ. 

"Chúng tôi thấy có các dấu hiệu bán phá giá thì đề xuất với cơ quan nhà nước, mong muốn có sự đánh giá công bằng và chính đáng, làm sao để ngành sản xuất trong nước phát triển", ông nói và cho biết việc áp thuế hay không phải dựa trên số liệu và đánh giá của cơ quan Nhà nước. 

Tuy nhiên, điều này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép vì HRC nhập khẩu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của họ trong bối cảnh nguồn cung trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. 

Theo nhóm các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép, nhu cầu tiêu thụ HRC của toàn Việt Nam hiện đang nằm trong khoảng 10 triệu đến hơn 13 triệu tấn mỗi năm, vừa phục vụ cho việc sản xuất thành phẩm, vừa dự trữ lượng hàng tồn kho cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, sản lượng nội địa chỉ khoảng 8 triệu tấn. Giả định HPG và Formosa chạy tối đa công suất và chỉ bán nội địa, không bán xuất khẩu  thì vẫn không đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp cho rằng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam không bán phá giá. 

Theo quy định trong trường hợp biên phá giá >2%, hàng hóa nhập khẩu được xác định là có bán phá giá và ngược lại, biên phá giá ≤ 2% thì không có hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo tính toán của các doanh nghiệp này, biên độ phá giá thép  HRC nhập khẩu chỉ 1,26%.

Chia sẻ về tiến trình điều tra, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại Chu Thắng Trung mới đây cho biết hồ sơ yêu cầu áp thuế chống bán phá giá đối HRC mà các doanh nghiệp gửi chưa đầy đủ để ra quyết định khởi xướng điều tra. 

“Tuần trước, chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp bổ sung thêm thông tin và chứng cứ về việc thép nhập khẩu  bán phá giá và những thiệt hại liên quan”, ông Trung cho biết. 

 

 

H.Mĩ

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.