|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhóm doanh nghiệp tôn mạ, ống thép: 'Hoà Phát chưa đủ điều kiện là nguyên đơn khởi kiện CBPG thép HRC'

21:24 | 10/04/2024
Chia sẻ
Các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép cho rằng Tập đoàn Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của không đủ tư cách pháp lý để nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngày 10/4, tập thể 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam có tổng sản lượng sản xuất tôn mạ chiếm 85% thị phần ngành tôn mạ tại Việt Nam đã tiếp tục gửi công văn lập luận lần 3 lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan khẳng định “Tập đoàn Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của không đủ tư cách pháp lý để nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc”.

Nhóm 12 doanh nghiệp đẫn số liệu của Hải quan cho biết trong giai đoạn từ năm 2019 đến cuối tháng 2/2024, 5 công ty con của Hoà Phát nhập khẩu HRC từ Trung Quốc.  Trong đó, lượng nhập khẩu năm ngoái đạt 305.000 tấn, gấp nhiều lần so với năm 2022. 

  Nguồn: Tổng Cục Hải quan, Văn bản kiến nghị của 12 doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép (H.Mĩ tổng hợp)

Dữ liệu Hải quan nhập khẩu cho thấy, 5 công ty con của Tập đoàn Hòa Phát nhập khẩu các mác thép HRC từ Trung Quốc, mà các mác thép HRC này hoàn toàn nằm trong năng lực sản xuất của Tập đoàn Hòa Phát, cũng như Tập đoàn Hòa Phát đang bán các mác thép HRC này tại cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu.

“Như vậy, Tập đoàn Hòa Phát có sản xuất và bán nội địa, bán xuất khẩu các mác thép HRC mà các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát nhập khẩu từ Trung Quốc trong giai đoạn 1/1/2019 - 29/02/2024”, các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép cho biết.

Tập đoàn Hòa Phát hoặc các công ty con đang làm đồng thời 5 việc: (1) nhập khẩu HRC từ Trung Quốc; (2) nộp đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá chính sản phẩm HRC mà các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát đang nhập khẩu từ Trung Quốc; (3) sản xuất HRC mà các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát đang nhập khẩu từ Trung Quốc; (4) bán HRC tại thị trường nội địa; (5) bán HRC tại thị trường xuất khẩu. 

“Trong bối cảnh cung HRC nội địa đang chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu HRC của toàn Việt Nam, thì rõ ràng có sự tự xung đột giữa 5 việc Tập đoàn Hòa Phát hoặc các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát đang thực hiện nêu trên” nhóm doanh nghiệp nhận định. 

Họ cho rằng hành động nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ hướng đến mục đích duy nhất là làm tăng giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam, từ đó tăng vị thế thống lĩnh thị trường để tăng giá bán HRC nội địa.

Ngoài ra, tập thể 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam cho rằng Tập đoàn Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con không đủ điều kiện làm nguyên đơn trong việc nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Các doanh nghiệp dẫn quy định của Luật Quản lý Ngoại Thương số 05/2017/QH14 khẳng định Tập đoàn Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát không  đủ tư cách đại diện cho ngành sản xuất trong nước với hai trường hợp. 

Thứ nhất, trường hợp bên nguyên đơn là công ty mẹ, tức Tập đoàn Hòa Phát, 5 công ty con của Tập đoàn Hòa Phát có nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong giai đoạn 1/1/2019 - 29/2/2024. Tập đoàn Hòa Phát trực tiếp kiểm soát 5 công ty con này với tỷ lệ sở hữu hơn 99,9%. Do đó, Tập đoàn Hòa Phát không đủ tư cách pháp lý nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra vì không được xem là nhà sản xuất trong nước theo Mục a, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP: Bên này trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát bên kia.

Thứ hai, trường hợp bên nguyên đơn là một trong số các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát: 5 công ty con của Tập đoàn Hòa Phát có nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong giai đoạn 1/1/2019 - 29/2/2024. Bên nguyên đơn là công ty con của Tập đoàn Hòa Phát và 5 công ty con của Tập đoàn Hòa Phát nhập khẩu HRC từ Trung Quốc đều trực tiếp bị kiểm soát bởi công ty mẹ là Tập đoàn Hòa Phát. Do đó, không có công ty con nào của Tập đoàn Hòa Phát đủ tư cách pháp lý nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra vì không được xem là nhà sản xuất trong nước theo Mục b, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP: Cả hai bên đều trực tiếp hoặc gián tiếp bị kiểm soát bởi một bên thứ ba.

 

Theo Khoản 1, Điều 70, Luật Quản lý Ngoại Thương số 05/2017/QH14:

Tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước có quyền nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp nhận thấy hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá, được trợ cấp hoặc nhập khẩu quá mức gây ra thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.”

Khoản 1, Điều 69 của Luật Quản lý Ngoại Thương số 05/2017/QH14 định nghĩa “ngành sản xuất trong nước” như sau:

“Ngành sản xuất trong nước là tập hợp các nhà sản xuất hàng hóa tương tự trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc đại diện của họ chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng hàng hóa của ngành đó được sản xuất trong nước. Trong trường hợp nhà sản xuất trong nước trực tiếp nhập khẩu hàng hóa bị điều tra hoặc có mối quan hệ với các nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bị điều tra thì nhà sản xuất này có thể không được xem là nhà sản xuất trong nước.

Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP hướng dẫn cách xác định mối quan hệ giữa nhà sản xuất hàng hóa tương tự và tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như sau:

“Các nhà sản xuất hàng hóa tương tự được coi là có mối quan hệ với tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Quản lý ngoại thương trong các trường hợp sau đây:

a) Bên này trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát bên kia;

b) Cả hai bên đều trực tiếp hoặc gián tiếp bị kiểm soát bởi một bên thứ ba;

c) Cả hai bên cùng trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát bên thứ ba.”

 Trong một diễn biến mới đây, trao đổi với chúng tôi, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại Chu Thắng Trung cho biết hồ sơ yêu cầu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng (HRC) mà các doanh nghiệp gửi chưa đầy đủ để ra quyết định khởi xướng điều tra.

“Tuần trước, chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp bổ sung thêm thông tin và chứng cứ về việc thép nhập khẩu bán phá giá và những thiệt hại liên quan”, ông Trung cho biết. 

 

H.Mĩ