Xuất khẩu sầu riêng được mùa, tăng trưởng 573% trong 4 tháng đầu năm
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) giá trị xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 5 đạt 600 triệu USD, tăng 53% so với tháng 4 và tăng 138% so với tháng 5/2022. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi nhiều mặt hàng nông sản có dấu hiệu sụt giảm xuất khẩu, riêng ngành hàng rau quả tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan. Hầu hết chủng loại rau quả xuất khẩu đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt trong 4 tháng đầu năm 2023.
Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là các mặt hàng trái cây với 921 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022. Trong cơ cấu chủng loại trái cây xuất khẩu chính, chỉ có trái thanh long và chuối có trị giá giảm trong 4 tháng đầu năm 2023.
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu trái sầu riêng đạt 190,5 triệu USD, tăng 573% so với cùng kỳ năm 2022. Trái sầu riêng xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Trung Quốc, chiếm 84% tổng trị giá xuất khẩu mặt hàng này.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu quả sầu riêng chính ngạch, thì trái sầu riêng đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ngoài việc ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, Việt Nam và Trung Quốc còn ký nghị định thư với chủng loại quả măng cụt và chuối. Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán để ký nghị định thư với Trung Quốc các chủng loại quả như: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài.
Cùng đó, đề nghị phía Trung Quốc mở cửa thêm cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: Bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa. Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu các chủng loại quả của Việt Nam.
Bên cạnh sự tăng trưởng khả quan của các mặt hàng trái cây tươi, sản phẩm chế biến xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm nay cũng ghi nhận đạt 356 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022.
Chủng loại sản phẩm chế biến luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, ngay cả trong bối cảnh ngành hàng rau quả sụt giảm trong năm 2022. Đây là chủng loại có nhiều tiềm năng xuất khẩu, bởi hiện tại nhu cầu ăn uống của người dân trên toàn thế giới đang tăng sử dụng trái cây, rau củ đã qua chế biến.
Do đó, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng khai thác phân khúc này, góp phần gia tăng trị giá xuất khẩu ngành hàng rau quả trong thời gian tới.