|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc sắp thu hoạch vụ sầu riêng đầu tiên, vị thế của Thái Lan, Việt Nam bị đe doạ?

16:35 | 22/05/2023
Chia sẻ
Theo trang South China Morning Post, Hải Nam đã sẵn sàng cho vụ thu hoạch sầu riêng đầu tiên trong năm nay, với khoảng 2.411 tấn sầu riêng dự kiến ​​sẽ được bán vào tháng tới

Chuyên gia sầu riêng Malaysia Lim Chin Khee đến Trung Quốc hai tháng một lần để giúp nông dân trồng loại trái cây nhiệt đới này.

Trong số những lời khuyên mà người sáng lập Học viện Sầu riêng, gần Kuala Lumpur, đưa ra cho những người trồng trọt trên diện tích hơn 404 ha là tránh lãng phí nước và phân bón.

Cùng lúc, Malaysia đang xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cao cấp từ các vườn quy mô nhỏ sang Trung Quốc, một thị trường trái cây nhiệt đới đang mở rộng nhanh chóng cho phần lớn Đông Nam Á.

Việc Lim sẵn sàng giúp đỡ những người trồng trọt ở Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy sự tự tin của Malaysia - cùng các quốc gia khác ở Đông Nam Á rằng việc Trung Quốc tự chủ nguồn cung sầu riêng sẽ còn mất nhiều năm nữa và họ vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu.

Nhưng Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam đang theo dõi sát sao chiến lược dài hạn của Trung Quốc đề phòng trường hợp nước này trở thành đối thủ lớn.

Nông dân Trung Quốc bắt đầu trồng khoảng 206.000 ha trái cây nhiệt đới ở tỉnh Hải Nam vào những năm 1950. Việc trồng sầu riêng đã phát triển mạnh vào năm 2020 nhờ công nghệ đẩy nhanh chu kỳ tăng trưởng, hứa hẹn sẽ là cây trồng mang lại lợi nhuận chính của hòn đảo.

Hải Nam đã sẵn sàng cho vụ thu hoạch sầu riêng đầu tiên trong năm nay, với khoảng 2.411 tấn sầu riêng dự kiến ​​sẽ được bán vào tháng tới, đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin.

Ông Lim Chin Khee cho rằng sản lượng trái cây nhiệt đới ở Trung Quốc khó có thể tăng vọt vì người trồng phải trả tiền thuê đất canh tác thay vì sở hữu nó hoàn toàn và đôi khi bão sẽ quét sạch mùa màng của họ.

So sánh giữa sầu riêng Trung Quốc và Malaysia, ông nói “đó là sự bổ tương hỗ hơn là sự cạnh tranh.”

Ông Sam Sin, Giám đốc phát triển của S&F Produce Group có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết khí hậu cận nhiệt đới của Hải Nam đã tạo ra những quả sầu riêng không có chất lượng tương đương với trái cây được trồng ở Thái Lan, vốn đã có danh tiếng ở Trung Quốc. Công ty của Sin sở hữu đất nông nghiệp ở Thái Lan và cung cấp một số loại trái cây nhiệt đới xuất khẩu.

“Tôi nghĩ rằng đó là nhận thức về nguồn gốc xuất xứ mà người Trung Quốc nghĩ đến khi nói đến quả sầu riêng” ông Sin nói sau lễ khai mạc hội chợ thực phẩm Thái Lan tại một siêu thị Hồng Kông vào ngày 12/5.

Theo ông nhiều người Trung Quốc khi nhắc đến Thái Lan là họ nghĩ đến ngay đây là đất nước của những lễ hội, du lịch. Điều này mang lại cho trái cây Thái Lan một vị trí đặc biệt.

“Chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng nhanh chóng ở thị trường Trung Quốc,” ông nói, đồng thời lưu ý đến sự mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp ông ở mức hai con số trong 9 năm qua.

Một lợi thế khác đến từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã có hiệu lực được một năm giúp cắt giảm thuế quan đối với trái cây Đông Nam Á khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Điều đó đã giúp xoài, dừa và sầu riêng của Philippines dễ dang tiếp cận thị trường tỷ dân này, nơi những loại trái cây như vậy có thể “khá khan hiếm”, ông Aaron Rabena, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Con đường Tiến bộ Châu Á-Thái Bình Dương ở Manila, cho biết.

Tại cửa hàng trái cây của Chen Shuang ở Thượng Hải, vải thiều, xoài, đu đủ và thanh long giá rẻ được trồng tại Trung Quốc bán chạy hơn các mặt hàng từ Đông Nam Á.

“Nhưng sản lượng trái cây nhiệt đới ở Hải Nam không thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, và… sản lượng của chúng không ổn định lắm,” ông nói và cho biết thêm rằng sầu riêng và roi vẫn phải nhập khẩu.

Các nhà phân tích cho biết sự tự tin của Đông Nam Á sẽ bị lung lay nếu Hải Nam vẫn nuôi tham vọng, kèm theo việc đẩy mạnh áp dụng tự động hoá, tăng sản lượng và giảm giá thành sản xuất.

Họ đang chờ xem liệu một hòn đảo có tổng diện tích nhỏ hơn một chút so với Đài Loan cuối cùng có thể thay thế hàng nhập khẩu hay không khi các kỹ thuật trồng trọt được cải thiện.

Ông Lim cho biết người nông dân ở Hải Nam được thời tiết nắng nóng và mưa nhiều ủng hộ, đồng thời họ cũng rất hứng thú trong việc tìm hiểu về chất dinh dưỡng, cắt tỉa cây và nâng cao chất lượng trái cây.

Ông nói: “Các trang trại của họ đã sử dụng mức độ tự động hóa để kiểm soát chi phí, đây có thể là bài học cho những người trồng trọt ở Malaysia”.

Ông Lim cho biết thêm, các đồn điền sầu riêng của Malaysia có diện tích nhỏ hơn của Hải Nam, khiến Malaysia gặp bất lợi tiềm ẩn trong bất kỳ cuộc đua nào với Trung Quốc về sản lượng thuần túy.

Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 824.000 tấn sầu riêng tươi, trị giá hơn 4 tỷ USD vào năm ngoái. Khối lượng này cao gấp 4 lần so với năm 2017.

Ông Du Baizhong, tổng giám đốc của Công ty Nông nghiệp Youqi Hải Nam, cho biết dự kiến công ty ông sẽ ​​sản xuất 50 tấn sầu riêng trong năm nay sau khi cử công nhân đến Đông Nam Á để nghiên cứu, sau đó làm việc với Học viện Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc. 

Công ty đã tìm ra cách tự động hóa việc tưới nước quản lý phân bón và theo dõi thời tiết.

Nhưng ông thừa nhận rằng việc trồng sầu riêng ở Hải Nam đòi hỏi nhiều “sự can thiệp thủ công và cần theo dõi sát sao hơn” so với ở Đông Nam Á.

Một số nhà phân tích cho rằng trong tương lai trái cây nhiệt đới của Trung Quốc thậm chí có thể xuất khẩu sang Đông Nam Á.

Ông Adam McCarty, nhà kinh tế trưởng của Mekong Economics tại Hà Nội cho biết, trái cây nhiệt đới Trung Quốc có thể bắt đầu tràn vào Việt Nam.

“Có rất nhiều trái cây Trung Quốc trên thị trường, như táo và cam. Thời hạn sử dụng của các loại trái cây này này cực kỳ dài”, ông nói. 

McCarty cho biết, Việt Nam trồng trái cây nhiệt đới cho thị trường nội địa, nhưng thiếu sự phối hợp từ trên xuống dưới cần thiết cho một ngành xuất khẩu lớn.

Jack Nguyễn, một đối tác tại công ty tư vấn kinh doanh Mazars tại TP.HCM cho rằng bất kỳ dòng sản phẩm giá rẻ nào của Trung Quốc cũng sẽ áp đảo so với hoa quả nội địa.

Tại Philippines, các nhà lập pháp đã bắt đầu đặt câu hỏi về giá trị của quan hệ đối tác thương mại khu vực.

Thượng nghị sĩ Philippines Imee Marcos hồi tháng 2 bày tỏ sự hoài nghi liệu có “thực tế” khi kỳ vọng Trung Quốc mua tất cả sầu riêng trồng trong nước hay không vì giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đã “bày tỏ sự thất vọng” với việc Philippines tăng cường huấn luyện quân sự với Mỹ.

Những người trồng chuối, dừa và sầu riêng ở Philippines đã kỳ vọng rất nhiều sau khi Bắc Kinh và Manila ký một thỏa thuận xuất khẩu trái cây trị giá 2 tỷ USD vào tháng 1.

Ở Thái Lan, Văn phòng Ủy viên Thương mại Thái Lan tại Hong Kong cho biết họ đã làm việc liên tục với nông dân và thương nhân để thúc đẩy doanh số bán trái cây.

Nước này đã bán khối lượng lớn sầu riêng trị giá 3,1 tỷ USD cho Trung Quốc vào năm ngoái, chiếm 96,2% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng hoa quả. 

Chính phủ Thái Lan rất tin tưởng rằng xuất khẩu sầu riêng, măng cụt, nhãn, xoài và dừa sang toàn thế giới trong năm nay có thể đạt 5,8 tỷ USD.

H.Mĩ