|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu rau quả tháng 1/2017 ước tăng hơn 14%, xếp thứ hai về kim ngạch

19:30 | 06/02/2017
Chia sẻ
Tổng cục Thống kê ước tính, đến hết tháng 1/2017, rau quả tiếp tục là một trong những mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu lớn với 230 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. 
xuat khau rau qua thang 12017 uoc tang hon 14
Tổng cục Thống kê ước tính đến hết tháng 1/2017 xuất khẩu rau quả tăng hơn 14% lên 230 triệu USD (Ảnh IT)

Xuất khẩu đầu năm tăng

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng hơn 14%, thu về 230 triệu USD trong tổng 14,6 tỷ USD xuất khẩu hàng hóa. Theo đó, rau quả chỉ đứng sau mặt hàng cà phê về kim ngạch xuất khẩu.

Trước đó theo Hải quan, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả năm 2016 đạt 2,4 tỷ USD. Đây là năm đầu tiên rau quả vượt qua lúa gạo để trở thành một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.

Cũng trong năm 2016, mặc dù phải bỏ ra 925 triệu USD để nhập khẩu rau quả trong năm 2016, song xuất siêu ngành này vẫn ở mức cao 1,5 tỷ USD. Có thể coi năm 2016 là năm bứt phá của ngành rau quả khi có nhiều mặt hàng trái cây thâm nhập được vào các thị trường khó tính với kim ngạch xuất khẩu tăng cao, như Mỹ (49%), Australia (39%), Hà Lan (38%), Hàn Quốc (26%), Đài Loan (14%).

Xét về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 60% tổng lượng xuất khẩu rau quả của cả nước.

Vẫn còn vướng mắc ở khâu chế biến sâu

Theo báo cáo của Cục xúc tiến thương mại, trong khâu chế biến rau quả, cả nước hiện có trên 100 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất 300 nghìn tấn sản phẩm/năm. Ngoài ra còn có hàng ngàn cơ sở chế biến quy mô nhỏ như sấy vải, nhãn, muối dưa chuột…

Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở chế biến rau quả không đủ nguyên liệu sản xuất, với công suất thực tế trung bình chỉ đạt khoảng 30%. Theo đó, rau quả chế biến sâu chỉ chiếm khoảng 10% và chủ yếu là các loại đóng hộp, đông lạnh, cô đặc, nước quả, chiên sấy, muối… Trong số đó, sản phẩm đóng hộp chiếm đến 50%, tiếp theo là sản phẩm cô đặc và đông lạnh.

Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến đang gặp phải vấn đề trong việc tiếp cận nguồn cung ứng nguyên liệu thô ổn định và bền vững. Đặc biệt, đối với những nhà máy đặt ở thành phố xa các vùng sản xuất và chỉ dựa vào nguyên liệu thô trực tiếp từ người trồng, từ các đại lý, qua trung gian, hoặc là từ cơ sở bán buôn.

Hồng Vũ