|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu rau quả sụt giảm 11,5% trong quí I/2020 vì dịch COVID-19 lan rộng toàn thế giới

14:50 | 03/04/2020
Chia sẻ
Trong khi xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc dần ổn định trở lại, thì triển vọng xuất khẩu sang các thị trường khác không mấy khả quan, do dịch COVID-19 đã lan rộng ra nhiều thị trường chính trên thế giới như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, cho biết trong 15 ngày đầu tháng 3/2020 xuất khẩu hàng rau quả đạt 152,5 triệu USD, tăng 4,8% so với 15 ngày đầu tháng 3/2019. 

Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2020, xuất khẩu hàng rau quả đạt 681,7 triệu USD, giảm 6,3% so với cùng kì năm 2019. Theo ước tính, tháng 3/2020, xuất khẩu hàng rau quả đạt 300 triệu USD, tăng 18,2% so với tháng 2/2020, nhưng giảm 15,8% so với tháng 3/2019. 

Theo đó, tính chung 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 831 triệu USD, giảm 11,5% so với 3 tháng đầu năm 2019. 

Xuất khẩu rau quả sụt giảm 11,5% trong quí I/2020 vì COVID-19 lan rộng toàn thế giới - Ảnh 1.

Xuất khâu rau quả tăng trở lại so với tháng 2, nhưng vẫn sụt giảm mạnh so với cùng kì năm 2019. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) xuất khẩu rau quả trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kì năm 2019 chủ yếu do xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm mạnh khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này. 

Trung Quốc chiếm tỉ trọng cao trong tổng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam, nên xuất khẩu sang các thị trường khác tăng không bù đắp được mức giảm mạnh từ thị trường này.

Cụ thể trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 300,3 triệu USD, giảm 29,4% so với cùng kì năm 2019 do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Đến đầu tháng 3/2020, hầu hết các cửa khẩu biên giới đất liền đã mở cửa trở lại, vì vậy xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc dần phục hồi. 

Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng để xuất khẩu hàng rau quả ổn định, các doanh nghiệp cần hạn chế xuất khẩu qua đường biên giới trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, thay vào đó là đàm phán với phía đối tác để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch, chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm… 

Xuất khẩu rau quả sụt giảm 11,5% trong quí I/2020 vì COVID-19 lan rộng toàn thế giới - Ảnh 2.

Xuất khẩu hàng rau quả tới 10 thị trường lớn nhất trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020. Nguồn: Bộ Công Thương/Tổng cục hải quan.

Đáng chú ý, mặc dù xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm 2020, nhưng xuất khẩu sang hầu hết các thị trường khác lại tăng mạnh.

Theo đó, xuất khẩu hàng rau quả sang Thái Lan, Hàn Quốc, Lào, Australia, Đài Loan, Nga trong 2 tháng đầu năm 2020 tăng mạnh so với cùng kì năm 2019.

Cụ thể, hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường Thái Lan trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 35,2 triệu USD, tăng 365,8% so với cùng kì năm 2019; xuất khẩu sang thị trường Lào đạt 9,7 triệu USD, tăng 270,4%; xuất khẩu sang thị trường Đài Loan đạt 8,9 triệu USD, tăng 112,4%; xuất khẩu sang thị trường Nga đạt 8,2 triệu USD, tăng 246,1%...

Tuy nhiên, đến đầu tháng 3/2020, trong khi xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc dần ổn định trở lại, thì triển vọng xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường khác không mấy khả quan, do dịch COVID-19 đã lan rộng ra nhiều thị trường chính trên thế giới như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường, các sản phẩm chế biến sẽ được tiêu thụ nhiều hơn, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau quả nên nghiên cứu để chuẩn bị nguồn hàng đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị các doanh nghiệp.

 

Như Huỳnh

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.