Xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm gần 10% trong 9 tháng đầu năm
Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam chỉ tăng trong hai tháng 1 và 3, các tháng còn lại đều giảm.
Trong tổng cơ cấu mực, bạch tuộc xuất khẩu của Việt Nam, bạch tuộc chiếm tỉ trọng cao hơn với 51%, còn lại mực chiếm 49%.
Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng 39,4% tổng xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đi các thị trường, đạt trên 168,6 triệu USD, giảm 6,2% so với cùng kì năm 2018.
Mặc dù vậy, VASEP cho biết lợi thế thuế quan từ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) phần nào giúp hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang thị trường này.
Nhật Bản, thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ hai của Việt Nam, nhập khẩu trên 108 triệu USD mực, bạch tuộc từ Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay, giảm gần 1% so với cùng kì năm 2018.
Sau khi tăng trưởng dương trong tháng 7, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Nhật Bản giảm liên tiếp trong hai tháng là tháng 8 và 9.
EU là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ ba của Việt Nam, chiếm 12% tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đi các thị trường.
Xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường EU 9 tháng đầu năm nay đạt gần 52 triệu USD, giảm 15,6% so với cùng kì năm ngoái.
Theo VASEP, với Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) chuẩn bị có hiệu lực, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang EU sẽ được giảm bớt khó khăn do được hưởng những ưu đãi về thuế.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ để có thể được hưởng những ưu đãi thuế quan này.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang EU vẫn tiếp tục bị tác động giảm từ thẻ vàng IUU của EU và xu hướng chỉ có thể đảo chiều khi Việt Nam được đánh giá tích cực sau chuyến thanh tra trong tháng 11/2019 của EC.
VASEP dự báo tình hình xuất khẩu trong những tháng cuối năm cũng không khả quan hơn, giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc cả năm 2019 dự kiến đạt khoảng 626 triệu USD, giảm 7% so với năm 2018.