Xuất khẩu lâm sản năm 2021 xác lập kỷ lục mới với gần 16 tỷ USD, lo ngại về nguồn cung năm sau
Xuất khẩu lâm sản xác lập kỷ lục mới
Tại hội nghị Tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2021 đạt khoảng 15,8 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 14,7 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ là 1,1 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 đạt khoảng 2,93 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ.
Vượt qua khó khăn kép từ vụ Điều tra 301 của Mỹ và gián đoạn sản xuất vì COVID-19, ngành lâm sản xuất siêu gần 13 tỷ USD.
Ngành hàng này chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước, đạt 4,7% kim ngạch xuất khẩu toàn quốc và nằm trong top 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Đại diện Tổng cục Lâm nghiêp cho biết kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam chiếm khoảng 8% thị phần thương mại gỗ và lâm sản của thế giới.
Bên cạnh đó, do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nên nhiều đơn hàng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Mỹ dịch chuyển sang các thị trường khác. Do đó, các doanh nghiệp ngành gỗ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường và nâng cao thị phần.
Tổng cục Lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu lâm sản năm 2022 đạt trên 16,5 tỷ USD, tăng 6% so với 2021.
Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 15,3 tỷ USD, tăng gần 6%; lâm sản ngoài gỗ là 1,2 tỷ USD, tăng gần 8%.
Về thị trường, Tổng cục Lâm nghiệp kỳ vọng xuất khẩu sang Mỹ sẽ đạt 9,7 tỷ USD, tăng 7%; Nhật bản 1,5 tỷ USD, tăng 2%; Trung Quốc 1,6 tỷ USD, tăng 7,4%; các thị trường còn lại đạt 3,7 tỷ USD.
Giải bài toán nguyên liệu gỗ trong năm 2022
Năm 2021 sắp khép lại, song những khó khăn của doanh nghiệp gỗ vẫn còn hiện diện khi giá cước vận tải tăng 4-5 lần kể từ cuối năm 2020, đội giá gỗ nhập khẩu tăng cao.
Trao đổi với người viết, ông Phan Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phước, đơn vị sản xuất nội thất và cung cấp gỗ nguyên liệu, cho biết từ tháng 4 đến nay, giá gỗ bạch đàn theo đường tàu có ba đợt tăng, lên mức 25 USD/m3. Cùng loại gỗ, vận chuyển theo hình thức container đường biển tăng lên 32 USD/m3.
Giá cước leo thang, hai tháng nay, Tân Phước chưa xác nhận các đơn đặt mua gỗ nguyên liệu mới.
"Nếu Tân Phước không nhập gỗ về trong hai tháng nữa thì nguồn cung gỗ cho các khách hàng về sẽ gián đoạn ít nhất 2-3 tháng và có thể xảy ra thiếu nguyên liệu cục bộ", ông Phước nói.
Nói thêm về điều này, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho biết xuất khẩu lâm sản năm 2021 tăng trưởng hai con số nhưng không thể "ngủ quên trên vòng nguyệt quế" mà cần bắt tay giải quyết bài toán về nguồn nguyên liệu cho năm 2022.
"Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong ngành hiện đối mặt với khó khăn như thiếu hụt nguyên liệu nhập khẩu, giảm lợi nhuận, chậm thời gian giao hàng.
Doanh nghiệp có thể thiếu hụt một số loại gỗ nhập khẩu trong quý I/2022", ông Phúc cho biết.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 6 triệu m3 gỗ quy tròn.
Lượng gỗ này được đưa vào chế biến làm hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Lượng gỗ ít rủi ro chiếm tỷ trọng khoảng 2/3 trong tổng lượng nhập khẩu, phần còn lại là gỗ rủi ro.
Con số gần 1,9 triệu m3 quy tròn là gỗ rủi ro nhập khẩu trong năm 2020 và 1,5 triệu m3 của 10 tháng đầu năm 2021 cho thấy lượng gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Quy mô nhập khẩu này chỉ ra mức độ rủi ro của ngành gỗ Việt Nam có liên quan tới tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu vẫn rất cao.
Đại diện Forest Trends cho rằng cần kiểm soát lượng gỗ rủi ro nhập khẩu để thực hiện các cam kết về gỗ hợp pháp trong Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) mà Chính phủ ký với EU 2018 và Hiệp định về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp mà Chính phủ vừa ký với Chính phủ Mỹ vào tháng 10 vừa qua.
Điều này không chỉ giúp ngành gỗ giảm rủi ro trong khâu xuất khẩu mà còn góp phần mở rộng thị trường tại các thị trường lớn như Mỹ, EU.