|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu giày dép 8 tháng giảm 8,6%, dự báo tiếp tục gặp khó

15:40 | 09/09/2020
Chia sẻ
Theo Bộ Công Thương hầu hết xuất khẩu giày dép ra thị trường nước ngoài đều bị sụt giảm, từ nay đến cuối năm, dự báo đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và châu Âu.

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020 của Bộ Công thương cho biết ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tháng 8 tăng gần 3% so với tháng trước, nhưng giảm 3,6% so với cùng kì năm 2019.

Tính chung 8 tháng năm giảm 4,3% so với 8 tháng đầu năm 2019. Cũng giống như ngành dệt may, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh COVID-19. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 8 tháng đầu năm ước đạt 10,9 tỉ USD, giảm 8,6% so với cùng năm 2019.

Những thị trường tiêu thụ giày dép hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Đức đều giảm so với tháng trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, Mỹ dẫn đầu về tiêu thụ giày dép Việt Nam với kim ngạch 3,43 tỉ USD chiếm tỉ trọng trên 36% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước và giảm gần 9% so với cùng kì 2019. 

Xuất khẩu giày dép 8 tháng giảm 8,6%, dự báo tiếp tục gặp khó - Ảnh 1.

Xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Như Huỳnh).

Đứng thứ hai Trung Quốc chiếm 12%, đạt 1,14 tỉ USD giảm hơn 19% cùng kì. Các thị trường theo sau gồm Bỉ, Nhật Bản, Đức kim ngạch giảm lần lượt 17% đạt 554 triệu USD, giảm 2% đạt 552 triệu USD, giảm trên 10% đạt 505 triệu USD. 

Hầu hết xuất khẩu giày dép ra thị trường nước ngoài đều bị sụt giảm. Đan Mạch là thị trường giảm mạnh nhất với gần 64% đạt 6,2 triệu USD.

Theo Bộ Công Thương từ nay đến cuối năm, dự báo đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và châu Âu. Động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành chính là Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực. 

Để có thể tận dụng cơ hội từ Hiệp định này nhằm gia tăng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã lên phương án như tái cơ cấu bộ máy, sẵn sàng hạ tầng nhà xưởng, nguyên liệu nhằm đáp ứng theo các cam kết của Hiệp định, đồng thời tăng cường đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Như Huỳnh