Xuất khẩu gạo khó đạt mục tiêu dù đã hạ chỉ tiêu xuống thấp
Hiên nay, thị trường lúa gạo nội địa rục rịch tăng giá, song tiêu thụ gạo vẫn trong giai đoạn khan hiếm nhu cầu.
Giá lúa tăng
Theo ghi nhận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại các địa phương, trong vài ngày gần đây, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu rục rịch tăng nhẹ, từ 100-200 đồng/kg.
Cụ thể, tại An Giang, giá lúa tươi IR50404 tăng 200 đồng/kg, từ 4.200 đồng/kg lên 4.400 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM 1490 và OM 2514 tăng 100 đồng/kg, từ 4.600 đồng/kg lên 4.700 đồng/kg.
Tại Bạc Liêu, giá thu mua lúa mới của Công ty Lương thực Bạc Liêu tăng 200 đồng/kg, chủng loại OM 5451 từ 5.200 đồng/kg lên 5.500 đồng/kg (lúa khô); chủng loại OM 4900 tăng từ 5.400-5.600 đồng/kg (lúa khô).
Ông Huỳnh Văn Sơn, nông dân trồng lúa ở huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An cho biết, hiện giá gạo ở khu vực này tương đối ổn định.
Tuy nhiên, giá lúa nếp bắt đầu tăng trong những ngày gần đây, do thương lái đang tập trung thu mua loại lúa gạo này. Lúa nếp tại ruộng hiện có mức giá từ 5.800-5.900 đồng/kg, tăng từ 400-600 đồng/kg so với tháng trước.
Việc tăng giá lúa gạo chủ yếu là do Trung Quốc bắt đầu mua gạo trở lại theo con đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ gạo hiện nay của các doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn.
Theo ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), giá lúa nội địa đang tăng, song vẫn chưa doanh nghiệp nào bán được giá cao.
Lý giải vấn đề này, ông Tuấn cho biết, giá gạo của các nguồn cung khác như Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ cũng đang ở mức thấp.
Trong khi, các nước này đang vào vụ thu hoạch chính, nên giá bán được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Ngược lại, Việt Nam hiện không có vụ thu hoạch, hoặc có thu hoạch vụ 3 nhưng sản lượng không đáng kể.
Thời gian gần đây, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên tục mưa lớn khiến năng suất, chất lượng gạo cũng không đảm bảo. Nếu chỉ xét về giá bán và chất lượng gạo ở thời điểm này, gạo Việt Nam đã khó cạnh tranh hơn so với các nguồn cung khác.
“Thông tin các doanh nghiệp Philippines có nhu cầu mua 293.000 tấn gạo Việt Nam, cộng thêm việc xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc bắt đầu mở cửa vô hình chung tạo cảm giác thị trường có nhu cầu, đẩy giá nguyên liệu nội địa trong nước lên, còn thực tế chưa có doanh nghiệp nào xuất khẩu được với giá tốt,” - ông Tuấn cho biết.
Khó đạt mục tiêu xuất khẩu
Phân tích về nhu cầu của thị trường hiện nay, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang) cho biết, nhiều doanh nghiệp không đạt kế hoạch kinh doanh do thị trường lúa gạo liên tục rơi vào tình trạng ảm đạm, cung lớn hơn cầu.
Trung Quốc là thị trường chính và tiềm năng của xuất khẩu gạo Việt Nam, nhưng hiện đã hết quota nhập khẩu chính ngạch.
Tại thị trường Philippines, ngoài 293.000 tấn gạo Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) đã giao cho thương nhân thu mua nên nước này có thể tổ chức đấu thầu mua thêm khoảng 250.000 tấn gạo, để đảm bảo lượng tồn kho thiếu hụt.
Nhưng việc đấu thầu phải chờ đến cuối tháng 11/2016 mới có thông tin chính thức. Do vậy, lượng gạo này có thể phải qua đầu năm 2017 mới được bàn giao. Còn các thị trường khác đến nay vẫn chưa có gì tiến triển khả quan.
Thông tin NFA dự kiến mua 250.000 tấn gạo thông qua đấu thầu vào cuối năm nay cũng được một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nắm bắt.
Tuy nhiên, đại diện VFA cho biết, vẫn chưa nhận được thông báo chính thức liên quan đến vấn đề này từ phía Philippines. Riêng chỉ tiêu 293.000 tấn gạo được NFA giao cho thương nhân mua từ Việt Nam, đến nay các doanh nghiệp này đã đăng ký mua hơn 300.000 tấn.
Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, diễn biến thị trường lúa gạo năm nay không giống với những năm khác.
Đến thời điểm này, việc dự báo xuất khẩu gạo tăng, giảm bao nhiêu, hay tín hiệu thị trường thế nào còn là ẩn số. Ngoài nhu cầu nhỏ từ thị trường Trung Quốc và Philippines, xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn trong giai đoạn hết sức trầm lắng.
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thị trường hiện nay cũng như hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp, ông Năng cho rằng, xuất khẩu gạo cả năm có thể đạt trên 5 triệu tấn (chưa bao gồm hơn 1 triệu tấn xuất khẩu qua đường mậu biên sang Trung Quốc).
Như vậy, so với lần điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2016 gần đây nhất được VFA đưa ra là 5,65 triệu tấn thì nhiều khả năng vẫn không thực hiện được.