Xuất khẩu gạo 2017 còn khó khăn hơn
Xuất khẩu gạo 2017 còn khó khăn hơn
Nguyễn Đình Bích
Sở dĩ như vậy là bởi những lẽ chủ yếu sau đây:
Trước hết, về mặt chủ quan, mặc dù năm nay chúng ta mất mùa lớn, nhưng xuất khẩu giảm quá mạnh đồng nghĩa với tồn kho tăng mạnh, cho nên tạo sức ép phải sớm tăng tốc xuất khẩu ngay từ đầu năm. Các số liệu thống kê và ước tính cho thấy, tổng khối lượng gạo xuất khẩu năm nay chỉ đạt gần 4,9 triệu tấn, thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay.
Không những thế, với việc năm nay Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, khối lượng gạo xuất khẩu của ta theo kênh này cũng giảm mạnh, ước tính chỉ khoảng 1 triệu tấn. Như vậy, nếu so với tổng khối lượng gạo xuất khẩu đều dao động trên dưới 8 triệu tấn/năm kể từ năm 2012 trở lại đây thì năm nay sẽ thấp hơn khoảng 2,1 triệu tấn.
Trong năm 2017, cái khó đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước ta có nhiều khả năng sẽ bủa vây tứ phía như năm nay.
Thứ nhất, xét trên bình diện toàn cầu, dự báo tháng 12 này của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, thay vì mất mùa 6,5 triệu tấn trong năm 2016, năm 2017 thế giới sẽ được mùa 9,2 triệu tấn gạo. Trong điều kiện được mùa, nhu cầu tiêu dùng không tăng kịp, dự trữ gạo thế giới sẽ tăng và vượt ngưỡng 120 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thế giới trong 92 ngày. Đây là những mức cao kỷ lục trong vòng 15 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, dự báo của cơ quan này còn cho biết, năm 2017 thế giới còn được mùa 16 triệu tấn lúa mì và 79 triệu tấn bắp, cho nên kho dự trữ hai loại lương thực này của thế giới cũng đạt những kỷ lục mới. Theo logic thông thường, trong điều kiện như vậy, không chỉ gạo, mà thị trường các loại lương thực chủ yếu của thế giới nói chung trong năm tới sẽ đều kém sôi động, giá cả trầm lắng, gây khó khăn cho các quốc gia xuất khẩu, đồng thời có lợi cho các quốc gia nhập khẩu.
Xuất khẩu gạo của nước ta trong năm tới không chỉ khó từ ngoài khó vào như năm nay, mà còn khó từ trong khó ra do tồn kho hiện nay tăng đột biến.
Thứ hai, trong bối cảnh cùng khó như vậy, hai nước cạnh tranh chủ yếu của ta là Thái Lan và Ấn Độ lại rất mạnh, sẽ gây sức ép rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta trong năm tới.
Trong 11 tháng đầu năm 2016, Thái Lan đã xuất khẩu 8,7 triệu tấn gạo, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Thái Lan đã chấp nhận “hy sinh” về giá, bởi giá bình quân giảm mạnh chỉ còn 446 đô la Mỹ/tấn, tức là còn thấp hơn giá gạo xuất khẩu bình quân 449 đô la Mỹ/tấn của nước ta. Trong khi đó, giá gạo Thai Hom Mali bình quân vẫn đạt 764 đô la Mỹ/tấn, cao khoảng gấp rưỡi giá gạo thơm của nước ta, còn giá gạo trắng của nước này chỉ đạt 349 đô la Mỹ/tấn. Đây chính là mấu chốt khiến các doanh nghiệp nước này giành giật được những thị trường nhập khẩu gạo lớn truyền thống của nước ta.
Các số liệu thống kê của nước ta cho thấy, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta sang ba thị trường Philippines, Indonesia và Malaysia trong 11 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 960.000 tấn, “rơi tự do” 1,05 triệu tấn và 52,2%, chiếm hai phần ba tổng mức giảm trong xuất khẩu ra thị trường thế giới nói chung.
Trong khi đó, các số liệu thống kê 11 tháng của Thái Lan cho thấy, xuất khẩu của Thái Lan sang ba thị trường này đạt hơn 1 triệu tấn, còn xuất khẩu sang khu vực thị trường ASEAN nói chung đạt 1,4 triệu tấn.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng nhẹ nhập khẩu từ Thái Lan (trong khi giảm nhập từ Việt Nam đến 20% khối lượng).
Do vậy, trong năm 2017, trong bối cảnh kho gạo dự trữ của Thái Lan vẫn còn rất lớn, sản lượng gạo của nước này cũng sẽ tăng mạnh trở lại, gần như chắc chắn vũ khí giá rẻ để giành giật những thị trường truyền thống của nước ta cũng sẽ được người Thái tiếp tục sử dụng.
Bên cạnh Thái Lan, chúng ta cũng rất khó cạnh tranh với Ấn Độ ở thị trường châu Phi và Trung Đông, khu vực hiện chiếm gần một nửa nhập khẩu gạo của thế giới.
Số liệu thống kê của Ấn Độ cho thấy, cho dù giá gạo Basmati của Ấn Độ giảm 16,6% xuống chỉ còn 786 đô la Mỹ/tấn, nhưng chất lượng gạo thơm của chúng ta không đủ đẳng cấp để chen chân vào Trung Đông, còn gạo trắng với giá 373 đô la Mỹ/tấn, do thất thế thị trường xa, chúng ta cũng không thể lấn át được Ấn Độ ở thị trường châu Phi.
Do vậy, năm 2017, gạo xuất khẩu của chúng ta không chỉ “lép vế” ở những thị trường truyền thống của Ấn Độ, mà chắc chắn còn bị cạnh tranh hơn nữa ở thị trường Trung Quốc, do hai “người khổng lồ” này đã đạt được thỏa thuận về việc dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan đối với gạo trắng của Ấn Độ.
Thứ ba, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong năm 2017, tổng khối lượng gạo nhập khẩu của tám thị trường châu Á chủ yếu sẽ tăng 12,3% và đạt 10,1 triệu tấn, cho nên chúng ta cũng có cơ hội để tăng thị phần ở khu vực thị trường truyền thống này.
Tuy nhiên, các số liệu thống kê của nước ta cho thấy, tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong năm 2016 sang tám thị trường này của chúng ta ước tính chỉ đạt 2,9 triệu tấn, giảm mạnh 38,4% so với năm 2015. Trong khi đó, 11 tháng đầu năm 2016, Thái Lan vẫn duy trì được 2,5 triệu tấn như cùng kỳ năm 2015.
Do vậy, bên cạnh những nỗ lực chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc của Ấn Độ, lo ngại chủ yếu của chúng ta vẫn là sức ép giá rẻ của gạo Thái Lan tiếp tục khiến các bạn hàng truyền thống này giảm bớt nhập khẩu gạo của chúng ta để tập trung nhập khẩu của Thái Lan.
Cho nên, cùng với việc tồn kho tăng cao, áp lực giảm giá gạo xuất khẩu sẽ đè nặng không chỉ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thua lỗ, mà thu nhập của nông dân trồng lúa giảm là điều khó tránh.