Kênh đào Panama thuộc sở hữu của nước nào mà ông Trump đòi lấy lại?
Đòi lại kênh đào Panama
Hôm 22/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bất ngờ cáo buộc chính phủ Panama tính phí quá cao đối với tàu thuyền đi qua kênh đào Panama và đe doạ sẽ đòi lại tuyến đường biển huyết mạch này.
Phát biểu trước đám đông người ủng hộ ở Arizona, chủ nhân Nhà Trắng tương lai còn nói ông sẽ không để kênh đào Panama rơi vào “tay kẻ xấu” và đề cập đến ảnh hưởng tiềm tàng của Trung Quốc tại đây.
“Kênh đào Panama được trao cho Panama và người dân Panama nhưng đi kèm với các điều khoản”, ông Trump nói.
“Nếu các nguyên tắc, cả về mặt đạo đức lẫn pháp lý,... không được tuân thủ, chúng ta sẽ yêu cầu [Panama] trao trả kênh đào Panama, toàn vẹn, nhanh chóng và không cần thắc mắc”, ông tiếp lời.
Sau sự kiện, ông Trump đã đăng lên mạng xã hội Truth Social hình ảnh lá cờ Mỹ tung bay trên một vùng nước hẹp với lời bình: “Chào mừng đến với kênh đào Mỹ”.
Đáp lại những cáo buộc của nhà lãnh đạo người Mỹ, vào chiều cùng ngày, Tổng thống Panama José Raúl Mulino khẳng định sự độc lập của Panama là không thể thương lượng và Trung Quốc không có ảnh hưởng gì đến việc quản lý kênh đào.
Ông Mulino cũng nhấn mạnh mức phí đi qua kênh đào Panama là hợp lý, không phải ấn định “theo ý thích nhất thời”.
“Mỗi mét vuông kênh đào Panama và khu vực xung quanh thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama”, vị tổng thống cho hay trong tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội X.
Sau đó, ông Trump phản hồi: “Chúng ta hãy chờ xem”. Tuy nhiên, các nhà phân tích không rõ Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ tìm cách giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama như thế nào, đặc biệt là sau những gì đã xảy ra với tuyến đường thuỷ này.
Đôi nét về tuyến đường thuỷ huyết mạch
Kênh đào Panama là tuyến đường thuỷ nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương qua eo đất Panama, với chiều dài 82 km và chiều rộng từ bờ bên này sang bờ bên kia là khoảng 65 km, theo Britannica.
Kênh đào được hoàn thành vào tháng 8/1914, là một trong hai tuyến đường thuỷ nhân tạo quan trọng nhất trên thế giới bên cạnh kênh đào Suez của Ai Cập.
Nếu không có kênh đào Panama, các tàu đi lại giữa bờ biển phía đông và phía tây của nước Mỹ sẽ buộc phải đi vòng qua mũi đất Cape Horn ở Nam Mỹ và hành trình sẽ kéo dài thêm 15.000 km.
Tương tự, các tàu đi giữa châu Âu, Đông Á hoặc Australia có thể di chuyển thêm 3.700 km nữa nếu không có kênh đào Panama.
Như đã biết, chính phủ Panama tính phí đối với tàu thuyền đi qua kênh đào Panama. Mức phí thay đổi tuỳ theo kích thước và mục đích của tàu thuyền, dao động từ 0,5 USD đến khoảng 300.000 USD.
Hiện tại, tuyến đường biển huyết mạch này cho phép đến 14.000 tàu qua lại mỗi năm, mang hơn 423 triệu tấn hàng và chiếm khoảng 2,5% thương mại đường biển toàn cầu.
Đặc biệt, kênh đào Panama đóng một vai trò rất quan trọng đối với hoạt động nhập khẩu ô tô và hàng hoá của Mỹ từ châu Á cũng như đối với việc xuất khẩu hàng hoá (bao gồm khí đốt tự nhiên hoá lỏng) của Mỹ.
Tính chung, Mỹ là khách hàng lớn nhất của kênh đào Panama, chiếm khoảng 75% lượng hàng hoá đi qua đây mỗi năm. Trong khi đó, Trung Quốc là khách hàng lớn thứ hai.
Mỹ có cơ sở để đòi lại kênh đào Panama?
Để biết chính quyền sắp tới của ông Trump có thể đòi lại kênh đào Panama hay không, hãy quay ngược thời gian về quá khứ.
Con người bắt đầu thai nghén ý tưởng đào một tuyến đường thuỷ qua eo đất Panama từ thế kỷ 16, sau chuyến hành trình của nhà thám hiểm Vasco Nuñez de Balboa vào năm 1513.
Sau khi Balboa phát hiện có một dải đất hẹp ngăn cách hai đại dương, Hoàng đế La Mã Charles V đã ra lệnh cho thống đốc khu vực Panama khảo sát thực địa vào năm 1534.
Vào thời điểm cuộc khảo sát hoàn thành, vị thống đốc cho rằng không ai có thể làm được kỳ tích đó, theo nội dung đăng tải trên website của cơ quan quản lý kênh đào Panama ngày nay.
Song, Pháp đã chấp nhận thử thách. Dưới sự chỉ đạo của Tử tước Ferdinand de Lesseps (người xây kênh đào Suez), công nhân bắt đầu khởi công xây dựng một kênh đào ngang mực nước biển vào năm 1880.
Người Pháp nhanh chóng hiểu được thách thức to lớn phía trước. Cùng với những trận mưa liên miên gây lở đất nghiêm trọng, họ cũng không có biện pháp hiệu quả nào để chống lại sự lây lan của bệnh sốt da vàng và sốt rét.
De Lesseps cũng muộn màng nhận ra việc xây dựng một kênh đào ngang mực nước biển là quá khó và chuyển hướng sang xây những âu tàu hoạt động như những thang máy khổng lồ. Nhưng tiếc thay, nguồn tài trợ bị cắt vào năm 1888.
Hơn một thập kỷ sau, với sự thúc đẩy của cựu Tổng thống Theodore Roosevelt, Mỹ đã mua lại tài sản của Pháp trong khu vực kênh đào với giá 40 triệu USD vào năm 1902.
Đến tháng 11/1903, Mỹ công nhận nước Cộng hoà Panama và hai nước ký kết Hiệp ước Hay-Bunau-Varilla, trao cho Washington sở hữu độc quyền và vĩnh viễn đối với khu vực kênh đào Panama.
Đổi lại, Panama nhận được 10 triệu USD và khoản trợ cấp cố định 250.000 USD bắt đầu từ 9 năm sau đó. Hiệp ước bị nhiều người Panama lên án là vi phạm chủ quyền quốc gia của đất nước họ.
Dự án tái khởi công vào tháng 5/1904 nhưng ngay tức khắc gặp vấn đề. Đại công trình này phải chật vật thêm 10 năm mới hoàn thành và chính thức khánh thành vào ngày 15/8/1914.
Tổng cộng, Mỹ tiêu tốn khoảng 375 triệu USD cho dự án, dùng 3,4 triệu m3 bê tông để xây dựng các âu tàu và múc đi gần 240 triệu m3 đất đá. Gần 56.000 công nhân góp sức xây dựng kênh đào, trong đó 5.600 người được báo cáo là đã thiệt mạng.
Mỹ yên ổn khai thác kênh đào Panama trong hàng chục năm nhưng đến thập niên 1960, người Panama bắt đầu nổi loạn vì Washington từ chối treo cờ Panama và vì một số xung đột khác. Mối quan hệ ngoại giao của hai bên cũng xấu đi kể từ đó.
Sau nhiều năm đàm phán về một hiệp ước mới, Mỹ và Panama đã đạt được thoả thuận vào năm 1977. Hiệp ước quy định hai nước đồng quản lý kênh đào và cho phép Mỹ tiếp tục khai thác kênh đào đến hết năm 1999.
Vào buổi trưa ngày 31/12/1999, kênh đào Panama chính thức được trao trả một cách hoà bình cho Panama. Cựu Tổng thống Jimmy Carter đại diện Mỹ tại buổi lễ.
Sau khi trao đổi công hàm ngoại giao với Tổng thống Panama Mireya Moscoso, ông Carter nói: “Giờ đây nó là của các bạn”.