|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhìn lại 2024: Dấu ấn từ các dự án hạ tầng

15:14 | 23/12/2024
Chia sẻ
Năm 2024 đánh dấu hàng loạt dự án có chuyển biến tích cực như việc: Đưa vào vận hành metro số 1 TP HCM, đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội hay chính thức thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Năm 2024 có thể nói là một năm gắn liền với các dự án đường sắt trọng điểm, từ đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội đến tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên hay đại dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Không chỉ vậy, hạ tầng giao thông trên cả nước còn "thay da đổi thịt" từng ngày trong năm 2024 với hàng loạt dự án giao thông đường bộ, hàng không, cảng biển quan trọng đang bứt tốc về đích.

Những đại công trình hạ tầng

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tính tới hết ngày 30/11, ngành giao thông vận tải đã giải ngân được 69.228 tỷ đồng cho các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm. Con số này tuy chỉ đạt 53,4% kế hoạch năm 2024 nhưng cũng đóng góp không nhỏ vào dự thay đổi của hạ tầng quốc gia.

Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đang tiếp tục triển khai trong năm 2024 như nhóm 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được bố trí 37.532,6 tỷ đồng, tính đến hết tháng 11 giải ngân được 28.855,7 tỷ đồng, đạt 76,95% kế hoạch năm 2024.

Dự kiến số vốn còn lại sẽ được giải ngân trong tháng cuối cùng của năm 2024 và nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, các chủ đầu tư, nhà thầu sẽ cán đích giải ngân số vốn đã được bố trí cho cao tốc Bắc - Nam để có thể đưa vào khai thác sử dụng trong năm sau.

 Dự án sân bay Long Thành dần thành hình. (Ảnh: VGP).

Một đại công trường lớn nữa đang được triển khai là Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, trong năm nay Dự án đã đạt được rất nhiều tiến bộ cả về tiến độ và chất lượng thi công như: Đài kiểm soát không lưu của Dự án thành phần 2; Nhà ga hành khách và đường cất hạ cánh của Dự án thành phần 3.

Là cửa ngõ hàng không quốc tế mới tại khu vực phía Nam, dự án này được Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành vào 31/12/2025. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", xuyên lễ, xuyên thứ Bảy, Chủ nhật, "chỉ bàn làm, không bàn lùi" cần được phát huy cao độ để có thể tạo nên bước nước rút thần tốc, đưa công trình về đích theo đúng tiến độ đề ra.

Những đại công trình hạ tầng như Đường cao tốc Bắc - Nam hay Sân bay Long Thành không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước mà còn góp phần tăng trưởng kinh tế, lan toả tới những ngành nghề, lĩnh vực khác thêm gam màu tích cực vào bức tranh kinh tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, các đại dự án sẽ đem đến tác động rất tích cực đối với nền kinh tế, chỉ riêng giai đoạn xây dựng sẽ góp phần lan toả sang các ngành liên quan như: Xây dựng, công nghiệp phụ trợ, phát triển bất động sản, đô thị,...

Quyết liệt đưa vào vận hành hai tuyến metro

Metro Bến Thành - Suối Tiên. (Ảnh: TTXVN).

Cũng trong năm 2024, hàng loạt tuyến metro đã được đưa vào vận hành sau nhiều năm thi công đã mang đến niềm vui cho người dân tại Hà Nội và TP HCM. Trong đó, tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội được vận hành vào tháng 8 sau nhiều 14 năm thi công còn metro Bến Thành - Suối Tiên vừa vận hành vào ngày 22/12 sau 12 năm thi công.

Cả hai tuyến đường sắt này đều bị chậm tiến độ, đội vốn sau nhiều năm thi công. Vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn, hoàn thành và đưa vào sử dụng hai dự án này được người dân hết sức mong chờ. Ngoài việc phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại hóa, việc vận hành hai tuyến đường sắt đô thị này còn đáp ứng sự mong mỏi của người dân.

Bên cạnh đó, các dự án đường sắt đô thị cũng góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội và TP HCM, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường.

Một đại dự án đường sắt nổi bật trong năm 2024 tuy chưa chính thức khởi công những cũng được người dân hết sức quan tâm là Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Vào tháng 11 vừa qua, Quốc hội cũng thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam với số vốn dự kiến 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD, dự kiến hoàn thành năm 2035.

Toàn tuyến được đầu tư với tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Không chỉ giao thông, năm 2024 còn đánh dấu bước tiến trong hàng loạt dự án hạ tầng khác như Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Bắc - Nam. Trong đó, Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Bắc - Nam được hoàn thành chỉ trong 7 tháng, giúp nâng năng lực truyền tải hệ thống 500 kV Bắc - Nam, tăng cung ứng điện qua hệ thống 500 kV từ Trung - Bắc khoảng 2.500 MW. Dự án này nhằm bù đắp thiếu hụt điện cục bộ, đảm bảo cấp điện, an ninh năng lượng cho miền Bắc trong những năm tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Đánh giá về những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định Chính phủ đã nhận diện và đang tăng cường chỉ đạo thành lập các đoàn công tác để đôn đốc thường xuyên, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, phấn đấu đạt thấp nhất 95% kế hoạch.

Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Hạ An

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.