|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu chính ngạch để không dẫm lên vết xe đổ ùn ứ cửa khẩu

08:03 | 12/01/2022
Chia sẻ
Trong nhiều năm qua, câu chuyện ùn ứ cửa khẩu, giải cứu nông sản như một điệp khúc, đến hẹn lại lên. Để không dẫm lên vết xe đổ, Bộ Công Thương cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức chính ngạch để hạn chế rủi ro.

Đến hẹn lại ùn ứ cửa khẩu, giải cứu nông sản

Những ngày qua, hàng nghìn container mít Thái, thanh long, dưa hấu... bị ùn ứ ở cửa khẩu phải quay đầu bán tháo tại thị trường nội địa với giá rẻ như cho.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: "Hai tỉnh Lạng Sơn và Quang Ninh thông báo Trung Quốc đã ngưng nhập khẩu nông sản và nghỉ Tết 14 ngày.

Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã liên hệ với Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn nhưng chưa được trả lời. Chúng tôi đã cố hết sức rồi, không còn giải pháp nào nữa".

Theo thống kê của tổ 970, trong quý I cả nước có khoảng 300.000 tấn thanh long, 250.000 tấn xoài, 160.000 tấn mít, 140.000 tấn bưởi, 130.000 tấn cam… được thu hoạch.

Trong khi, xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc có thể kéo dài, các doanh nghiệp, địa phương phải tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Tuy nhiên, khi lượng lớn trái cây dồn về thị trường nội địa, giá của nhiều mặt hàng rơi tự do trong giai đoạn "nước sôi, lửa bỏng", cả doanh nghiệp chế biến, siêu thị và người tiêu dùng cả nước đang hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Nhiều năm qua, câu chuyện ùn ứ cửa khẩu, nông sản "được mùa, mất giá" và việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản như một điệp khúc, đến hẹn lại lên.

Đây là hệ quả của việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, thị trường chiếm 50% tổng sản lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam, theo số liệu Cục Xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, trong bối cảnh Trung Quốc theo đuổi chính sách "Zero COVID", tăng cường kiểm dịch thì xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục ở trạng thái "bật – tắt", có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, một trong những hạn chế ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc là tỷ lệ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch còn quá lớn, lên tới 70%. Song, hình thức này sẽ gặp nhiều rào cản khi Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1.

Xuất khẩu chính ngạch để không dẫm lên vết xe đổ ùn ứ cửa khẩu - Ảnh 1.

Doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Báo Nhà đầu tư)

Trao đổi với người viết, ông Vũ Vệ Yên, Tổng thư ký Hiệp hội Thanh long Bình Thuận (BDA) cho rằng bỏ qua nguyên nhân khách quan COVID-19, việc nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục bị ách tắc tại cửa khẩu trong nhiều năm do thói quen buôn bán tiểu ngạch của doanh nghiệp.

Đa số doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đều là doanh nghiệp nhỏ, không đáp ứng được những đơn hàng chính ngạch mua bán theo hợp đồng với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính… với số lượng lớn và thời gian giao hàng theo yêu cầu của khách.

"Lệnh 248 và 249 có hiệu lực có thể sản lượng xuất khẩu và giá thanh long giảm.  Tuy nhiên sẽ là động lực cho nông dân, doanh nghiệp thay đổi tư duy sản xuất theo hướng công nghiệp và xuất khẩu chính ngạch.

Trong cuộc chơi này, ai có thể thích nghi và tồn tại sẽ là người chiến thắng, đi đường dài với thị trường Trung Quốc", ông Yên nói.

Nói về Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay: "Những quy định này chủ yếu ảnh hưởng đến xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch), những hợp đồng bằng miệng, không có hợp đồng chính thức và cũng không tuân theo một quy chuẩn, quy tắc nào cả.

Còn những doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức chính ngạch thì dễ đáp ứng các điều kiện mới này của Trung Quốc hơn, vì về cơ bản thì cũng chỉ là đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu", theo VOV.

Xuất khẩu chính ngạch để không dẫm lên vết xe đổ

Trước sự cố ùn ứ cửa khẩu năm 2021, Trung Quốc đã nhiều lần khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản theo hình thức chính ngạch, vận chuyển bằng đường biển và kiểm soát virus Sars-CoV-2 trên nông sản và các thùng hàng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp không nghe và chỉ xuất đi đường bộ, gây ùn ứ cửa khẩu.

"Khi Trung Quốc thực hiện "Zero COVID", nếu họ phát hiện virus trên trái cây, thùng hàng sẽ tạm dừng nhập khẩu. Còn Trung Quốc không cấm mình xuất khẩu, hàng chính ngạch vẫn đi bình thường", ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit nói.

Trong thời gian qua, thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính hơn trong khâu kiểm dịch và hình thức xuất khẩu. Đây cũng là xu thế chung của thế giới.

Theo "vua chuối" Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, hiện doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu của Việt Nam mới đang làm "tầng ngọn", còn về lâu dài cần thay đổi cả gốc là tư duy sản xuất của người nông dân.

"Trung Quốc – Việt Nam có giao thương phát triển. Vấn đề là làm thế nào để chúng ta hài hòa các quy định giữa hai bên, để hướng đến một nền sản xuất hàng hóa.

Ngành nông nghiệp cần có định hướng với những mặt hàng có truyền thống xuất qua phương thức tiểu ngạch, tránh rơi tình trạng được mùa mất giá", ông Huy nói.

Việc chuyển sang xuất khẩu chính ngạch không chỉ giúp nông sản Việt "danh chính ngôn thuận" bước vào thị trường Trung Quốc mà còn giúp nâng cao giá trị và thương hiệu của nông sản Việt.

Trao đổi với người viết, bà Ngô Tường Vy, Phó TGĐ Công ty TNHH XNK Chánh Thu cho biết nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường 1 tỷ dân rất cao nhưng phía Việt Nam chưa sẵn sàng cho nền nông nghiệp hàng hóa, vẫn còn tư duy manh mún, "buôn thúng, bán mẹt".

"Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn nhưng càng khó thì người dân càng dễ thay đổi tư duy.

Bản thân Chánh Thu cũng vậy, việc chuyển đổi từ vựa trái cây sang doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch cũng mất nhiều thời gian. Nhưng khi thay đổi được, rất nhiêu cơ hội mở ra cho doanh nghiệp, nông sản made in Vietnam dần có mặt trên thị trường toàn cầu", bà Vy nói.

Đại diện Chánh Thu cho rằng các doanh nghiệp cần vẽ lại chiến lược kinh doanh một cách thực tế, liên kết và phân chia lợi nhuận rõ ràng với vùng nguyên liệu.

Doanh nghiệp cam kết thu mua trong bất cứ tình huống nào, đổi lại nông dân sẽ phát triển vùng trồng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu, không phá vỡ liên kết. Trong cuộc chơi này, cả doanh nghiệp và nông dân đều có lợi.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đề nghị các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần sớm chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa theo hình thức chính ngạch để đi đường dài với Trung Quốc, hạn chế ùn ứ cửa khẩu.

Phạm Mơ

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.