|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu hàng khô chính ngạch theo đường sắt, giải tỏa áp lực cho cửa khẩu

10:03 | 11/01/2022
Chia sẻ
Trái ngược với tình trạng ùn tắc cửa khẩu, hàng ngày các đoàn tàu hàng qua lại biên giới vẫn chạy thông suốt qua ga đường Đồng Đăng (Lạng Sơn). Các doanh nghiệp đường sắt khuyến nghị xuất khẩu hàng khô, chính ngạch theo đường sắt, giải tỏa áp lực cho cửa khẩu.

Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 8/1, các cửa khẩu đường bộ khu vực Lạng Sơn vẫn còn 2.015 xe container chở hàng bị ách tắc vì Trung Quốc tạm đóng cửa một số cửa khẩu để siết chặt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19.

Trái ngược với đường bộ, tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), hàng ngày các đoàn tàu hàng qua lại biên giới vẫn chạy thông suốt. Các toa xe xếp kín đầy đường ga, bãi hàng, theo báo Giao thông.

Lý giải vì sao đường bộ bị tắc biên, còn đường sắt thì không, ông Phạm Đức Khái, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt ga Đồng Đăng, Trưởng ga liên vận quốc tế Đồng Đăng cho biết, theo quy định, hàng xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường sắt phải là hành chính ngạch. Trong khi đó, hàng trái cây đang tắc tại biên giới có đến 90% là hàng tiểu ngạch, hàng chợ.

 "Quan trọng hơn, phía Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng dịch COVID-19, hạn chế tiếp nhận hàng trái cây tươi đi bằng container lạnh có xuất xứ từ Việt Nam. Do vậy, dù là hàng chính ngạch, đường sắt cũng không thể nhận trung chuyển hàng này được", ông Khái nói.

Trước đó, vào tháng 5/2021, phía Trung Quốc đồng ý tiếp nhận, cho phép trung chuyển bằng đường sắt với hàng trái cây chính ngạch, bảo quản lạnh, đáp ứng tiêu chuẩn về hàng hóa, mẫu mã…

Song đến nay, Trung Quốc không cho hàng trái cây container lạnh đi đường sắt, còn các mặt hàng nông sản khô của Việt Nam như sắn lát, ớt khô... hoàn toàn có thể đi được.

Theo Nghị định thư hàng năm về vận tải liên vận giữa đường sắt hai nước, giữa cặp ga cửa khẩu Đồng Đăng - Bằng Tường, hàng ngày tối đa được chạy 6 đôi tàu, giữa cặp ga cửa khẩu Lào Cai - Sơn Yêu hàng ngày tối đa được chạy 8 đôi tàu.

Phía Đồng Đăng, một đoàn tàu có thể vận chuyển được 25 container 20 feet, hiện mới khai thác được 4 đôi tàu/ngày, với khoảng 200 container.

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng giám đốc CTCP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) cho biết doanh nghiệp đã nhận vận chuyển bằng đường sắt các hàng liên vận quốc tế để "chia lửa" đường bộ.

Tuy nhiên, đây chỉ là hàng container "khô", vận chuyển không cần bảo quản lạnh như điện tử, linh kiện.

Trong đó, có hàng đi bằng đường bộ từ Thái Lan, Malaysia, Singapore sang Việt Nam quá cảnh, xuất sang Trung Quốc, đến Thâm Quyến, đi tiếp Hongkong để lên tàu biển. Nay cửa khẩu đường bộ tắc, hàng này chuyển sang đi đường sắt.

"Đối với hàng nông sản, trái cây tươi, phía Trung Quốc chỉ tiếp nhận hàng xuất xứ Thái Lan, Campuchia, nên đường sắt cũng chỉ có thể nhận vận chuyển hàng này, để giúp giải tỏa ách tắc cửa khẩu đường bộ", ông Thanh nói.

Hoàng Anh