|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cá tra giảm gần một nửa sau 4 tháng, doanh nghiệp chờ đợi tín hiệu tích cực trong quý III

08:46 | 28/05/2023
Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái do tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy thoái. Tuy nhiên, ngành cá tra được dự báo thiếu hụt nguồn cung trong quý III trong khi hàng tồn kho của các khách hàng đang cạn dần.

Xuất khẩu cá tra sang nhiều thị trường suy giảm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra mang về gần 570 triệu USD, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy thoái dẫn đến lượng và giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong giai đoạn này thấp. Điều này khiến doanh số xuất khẩu cá tra Việt Nam sang nhiều thị trường liên tục ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến hết tháng 4, đứng đầu thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ cũng giảm sâu. Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc & Hongkong chỉ đạt 183 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Mỹ cũng giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam do lượng tồn kho còn nhiều và chỉ đạt 86 triệu USD, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 60 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, nhiều thị trường trong khối giảm từ 13% - 31%, trừ thị trường Đức tăng 78%. 

 Số liệu: VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Ngoài EU, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang một số thị trường chính khác trong 4 tháng đầu năm cũng chứng kiến tăng trưởng âm 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái như: sang Mexico giảm 45%, sang Canada giảm 51%, sang Nhật Bản giảm 15%, sang Brazil giảm 33%, sang Thái Lan giảm 49%.

Ngoài thị trường Đức, Singapore và Anh cũng là 2 điểm sáng nhập khẩu cá tra Việt Nam. Trong bối cảnh lạm phát, Anh cũng là 1 trong số các nền kinh tế lớn có tỉ lệ lạm phát cao nhất, tuy nhiên thị trường này vẫn ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số nhập khẩu cá tra Việt Nam.

  Số liệu: VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Xuất khẩu tất cả các sản phẩm cá tra đều tăng trưởng âm 2 con số. Trong đó, xuất khẩu cá tra phile/cắt khúc đông lạnh  đạt 471 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay, giảm 45%. xuất khẩu cá tra tươi/đông lạnh/khô đạt 89 triệu USD, giảm 9%, xuất khẩu cá tra chế biến đạt 9 triệu USD, giảm 23%.

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp suy giảm

Hậu quả của lạm phát kéo dài và lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ đang là một trong những khó khăn cho ngành thủy sản trong đó có cá tra. Người nuôi và doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức từ thị trường sụt giảm, chi phí nguyên liệu và các chi phí đầu vào khác tăng cao, lợi nhuận giảm mạnh, thiếu vốn đề quay vòng sản xuất kinh doanh.

CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam,  vừa công bố doanh thu tháng 4 với 869 tỷ đồng, giảm 47% so với mức nền cao cùng kỳ năm ngoái. Còn so với tháng 3 trước đó, kết quả này giảm gần 16%.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 3.121 tỷ đồng và tương ứng 27% kế hoạch năm.

Theo ban lãnh đạo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra mới đây, nhu cầu cá phi lê thấp trên thị trường toàn cầu và giá thức ăn chăn nuôi (cụ thể là đậu nành và bắp ngô) tăng trong thời gian gần đây sẽ ảnh hưởng lợi nhuận của công ty trong giai đoạn 2023 - 2024. Riêng năm 2023, công ty dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 43% về 1.000 tỷ đồng. 

Trong quý I, công ty ghi nhận doanh thu thuần quý I giảm 31% so với cùng kỳ đạt 2.222 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 59% đạt 226 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là sự tăng đột biến của chi phí tài chính do lãi vay tăng cao và lỗ chênh lệch tỷ giá. 

Theo BCTC hợp nhất quý I của CTCP Nam Việt (Mã: ANV), doanh thu đạt 1.155 tỷ đồng giảm 5% so với cùng kỳ do sản lượng và giá bán giảm.

Giá vốn tăng 11% lên 952 tỷ đồng trong bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn và giá cá nguyên liệu tăng. Do đó, biên lãi gộp giảm từ 29% xuống 18%.

Trong kỳ, chi phí bán hàng giảm còn các chi phí như tài chính, quản lý doanh nghiệp đều tăng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Thuỷ sản Nam Việt giảm 56% xuống 92 tỷ đồng.

Một số công ty đặt kế hoạch kinh doanh năm nay giảm mạnh. Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023,CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (Mã: IDI) cho biết kế hoạch kinh doanh năm 2023 với 8.133 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 3%, 186 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế giảm 67% so với cùng kỳ. 

Trong quý I, doanh thu của IDI giảm nhẹ 6% xuống 1.763 tỷ đồng nhưng lợi nhuận giảm tới 91% xuống 17 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 16% của cùng kỳ xuống còn 8% trong năm nay. Ngoài ra, chi phí tài chính tăng gần gấp đôi lên 94 tỷ đồng cũng ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp này. 

H.Mĩ tổng hợp

Chờ đợi tín hiệu tích cực cuối năm 

Trong bối cạnh hiện tại, ngành thuỷ sản kỳ vọng quý III sẽ là giai đoạn khởi sắc. VASEP cho biết ngành thủy sản đang trông chờ một bệ đỡ để trụ vững trong năm 2023 và có đà hồi phục trở lại khi thị trường tiêu thụ tốt hơn.

Thị trường cá tra đang đứng trước khả năng bị thiếu hụt nguồn cung. Theo bà  Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư Ký VASEP, qua khảo sát các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho thấy quý III và IV có thể thiếu cá nguyên liệu cục bộ do giá cá giống quá cao và chất lượng cá giống không tốt, tỷ lệ chết nhiều.

Từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế tại Mỹ, EU, Nhật Bản cũng như các chương trình giao thương trong nước, với kỳ vọng sẽ tăng thêm các kết nối và thu hút được các bạn hàng nhiều hơn trong thời gian tới và từ đó, kim ngạch xuất thủy sản sẽ hồi phục dần.

 Một tín hiệu khác hỗ trợ giá cá tra là nguồn cung có thể thiếu hụt. Theo bà Lan, qua khảo sát các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho thấy quý III và IV có thể thiếu cá nguyên liệu cục bộ do giá cá giống quá cao và chất lượng cá giống không tốt, tỷ lệ chết nhiều. 

 Trong khi trước đó, do tình hình thị trường khó khăn nên doanh nghiệp đã giải phóng bớt lượng hàng tồn kho giá cao bằng việc liên tục hạ giá bán để đảm bảo dòng tiền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chịu sự ép giá từ phía khách hàng trong giai đoạn này. Hiện hàng chỉ còn đủ dùng đến quý II. 

Các doanh nghiệp nhập khẩu tại các thị trường chính sau thời gian xả hàng tồn kho sẽ tăng cường nhập hàng trở để phục vụ cho nhu cầu cuối năm.

Những yếu tố này có thể dẫn đến giá cá tra có thể phục hồi. Tính đến thời điểm đầu tháng 4, giá cá tra nguyên liệu khoảng 27.000 đồng/kg sau khi chạm mốc gần 31.000 đồng/kg hồi tháng 2 nhờ kỳ vọng thị trường Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy nhu cầu mặt hàng này.

“Dự kiến sản lượng cá năm nay khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn, giảm so với con số 1,7 triệu tấn của năm ngoái”, bà Lan dự báo.

 “Hiện hàng tồn kho bên Mỹ cũng đã cạn dần và nhu cầu nhập hàng của họ sẽ quay trở lại”, bà cho biết.

Bà khuyến cáo các doanh nghiệp không nên vội bán hàng với giá rẻ mà chờ đợi đến quý III và quý IV để có giá tốt hơn.

Theo cập nhật mới nhất từ Chứng khoán Vietcap (VCSC), với tình hình tồn kho thấp hiện nay ở Mỹ và Trung Quốc mở cửa trở lại, chuyên gia kỳ vọng các nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm sẽ nối lại hoạt động dự trữ hàng vào nửa cuối năm 2023 khi thị trường toàn cầu bước vào mùa lễ hội. Điều này sẽ củng cố sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp so với nửa đầu năm 2023 và tiêu dùng phục hồi mạnh hơn trong năm 2024 sau những thách thức kinh tế ngắn hạn.

H.Mĩ