|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cà phê thế giới tăng 6,5% trong 9 tháng đầu năm 2018 - 2019

10:00 | 16/08/2019
Chia sẻ
Báo cáo từ Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho biết tổng khối lượng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 9 tháng đầu năm 2018 - 2019 đạt 97,28 triệu bao, tăng 6,5% so với cùng kì năm trước.
Coffee-bean-world-map

Xuất khẩu cà phê thế giới tăng 6,5% trong 9 tháng đầu năm 2018 - 2019

Theo báo cáo từ ICO, xuất khẩu cà phê từ Brazil tăng 20,6% lên 31,12 triệu bao trong khi từ Colombia tăng 8,1% lên 11,36 triệu bao. 

Xuất khẩu cà phê robusta tăng 1,4% lên 34,45 triệu bao trong giai đoạn từ tháng 10/2018 đến tháng 6/2019 trong khi các loại khác giảm 3,3% xuống còn 20,35 triệu bao. 

Sự sụt giảm chủ yếu là do xuất khẩu của Ấn Độ, Mexico và Costa Rica lần lượt giảm 9,2%, 11,8% và 12,3%  xuống còn 4,69 triệu bao, 2,11 triệu bao và 785.601 bao.

Trong năm 2018 - 2019, sản lượng cà phê thế giới ước đạt 168,77 triệu bao với sản lượng arabica ở mức 103,79 triệu bao, chiếm 61% tổng số và robusta ở mức 64,98 triệu bao, chiếm 39%. 

Khối lượng của 5 quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất sẽ chiếm 73% sản lượng thế giới trong năm nay.

Khối lượng cà phê của Brazil tính đến hết tháng 3 tăng 18,5% lên 62,5 triệu bao, phản ánh mức tăng 20,6% của xuất khẩu trong giai đoạn này, đạt 37,13 triệu bao. 

Sản xuất cà phê robusta của Brazil phục hồi từ đợt hạn hán trước đó, bằng chứng là sự tăng trưởng trong xuất khẩu cà phê robusta xanh. 

Sau khi giảm 72% xuống còn 119.146 bao trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cà phê robusta xanh của Brazil đã tăng gấp 3 lần lên 505.912 bao trong 6 tháng đầu năm 2018 và tăng lên 1,46 triệu bao trong cùng kì năm 2019. 

Xuất khẩu cà phê arabica xanh của Brazil trong nửa năm 2019 đạt 15,86 triệu bao so với 12,42 triệu bao năm ngoái.

viber 1

Nguồn: ICO

Tại Việt Nam, sản lượng cà phê ước giảm 1,3% xuống 30 triệu bao vì điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sản lượng trong vụ mùa 2018 - 2019. 

Mặc dù sản lượng giảm, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới trong năm 2018 - 2019. Xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm mùa vụ giảm 3,9% xuống còn 21,1 triệu bao.

Sản lượng từ Colombia ước đạt 13,95 triệu bao trong năm 2018 - 2019, cao hơn 1% so với năm ngoái. Theo Liên đoàn người trồng cà phê quốc gia Colombia (FNC), sản xuất trong 9 tháng đầu niên vụ đạt 10,34 triệu bao, giảm 1,1% so với cùng kì năm 2017 - 2018. 

Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê từ Colombia lên tới 10,17 triệu bao, tăng 7% so với năm ngoái. Xuất khẩu cà phê hòa tan tăng trưởng đều đặn trong những năm gần đây. 

Trong 2015 - 2016, khối lượng cà phê hòa tan xuất khẩu chiếm khoảng 5% tổng số, trong khi năm 2018 - 2019 chiếm khoảng 6%.

Nhập khẩu Colombia vào nửa đầu năm 2019 tăng lên 865.024 bao từ 288.115 bao trong cùng kì 2017 - 2018 với nhập khẩu cà phê xanh chiếm 95,8% tổng khối lượng nhập khẩu trong năm nay.

Trong khi, sản lượng của Indonesia giảm 5,6% xuống còn 10,2 triệu bao trong vụ mùa năm 2019. Xuất khẩu trong niên vụ 2018 - 2019 giảm 33,7% xuống 5,15 triệu bao. 

Ngoài sự sụt giảm sản lượng, tiêu thụ của Indonesia tăng đều đặn qua các năm làm giảm lượng cà phê sẵn có cho xuất khẩu. 

Khoảng 75% lượng cà phê xanh xuất khẩu của Indonesia là cà phê robusta, đạt 2,06 triệu bao trong 9 tháng đầu năm so với 2,44 triệu bao của năm ngoái. 

Tỉ lệ cà phê hòa tan trong tổng lượng xuất khẩu tăng từ 5,9% trong năm 2010 - 2011 lên 20,7% trong năm 2018 - 2019. Tổng khối lượng xuất khẩu cà phê hòa tan của Indonesia trong 9 tháng đầu năm lên tới 749.372 bao.

Sản lượng cà phê tại Ethiopia ước tính đạt 7,5 triệu bao, cao hơn 0,6% so với vụ mùa năm ngoái. Trong khi là nhà sản xuất lớn thứ 5 thế giới, Ethiopia cũng có tỉ lệ tiêu thụ nội địa cao thứ chín thế giới. 

Trong năm 2018 - 2019, mức tiêu thụ của người Ethiopia ước đạt 3,8 triệu bao, chiếm 50,7% sản lượng dự kiến. Xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm lên tới 2,47 triệu bao so với 2,65 triệu bao trong năm 2017 - 2018.

viber 2

Nguồn: ICO

Tiêu thụ cà phê thế giới trong năm 2018 - 2019 ước tăng 2,1% lên 164,84 triệu bao với mức tăng trưởng lớn nhất ở châu Á và châu Đại Dương, nơi nhu cầu tăng 3,6% lên 35,91 triệu bao.

Tiêu thụ ở châu Âu đã chậm lại, tăng 1,5% lên 53,97 triệu bao so với mức tăng 2,1% trong cùng kì năm 2017 - 2018. Tuy nhiên, nhu cầu ở Bắc Mỹ tăng 2,2% lên 30,61 triệu bao.

Tiêu thụ ở Nam Mỹ tăng 1,1% lên 27,27 triệu bao, ở châu Phi tăng 3% lên 11,88 triệu bao và Trung Mỹ & Mexico tăng 0,2% lên 5,21 triệu bao. 

Mặc dù tốc độ tiêu thụ tăng, sản xuất thế cà phê giới dự kiến sẽ vượt mức tiêu thụ 3,92 triệu bao, dẫn đến thặng dư 8 triệu bao trong hai mùa vừa qua.


Linh Giang