|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cá ngừ tháng 7 giảm tốc, thị trường Mỹ và EU biến động trái chiều

07:19 | 26/08/2022
Chia sẻ
Trong tháng 7, giá trị xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 85 triệu USD, giảm 50% so với tháng 6. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ sụt giảm, EU tăng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong tháng 7, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại do tác động của giá nguyên liệu đầu vào cao, biến động tỷ giá. Giá trị xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 85 triệu USD, giảm 50% so với tháng 6 nhưng vẫn tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021.

Con số này góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong 7 tháng đầu năm lên 638 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2021

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ trong tháng 7 đạt 38 triệu USD, giảm gần 50% so với tháng 6 nhưng vẫn tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đạt 339 triệu USD, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2021.

Lạm phát gia tăng tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá ngừ giá rẻ của Mỹ. Nhập khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp mã HS16 của Mỹ đã tăng trở lại trong 3 tháng qua, nhất là các sản phẩm loin cá ngừ hấp đông lạnh, nguyên liệu để chế biến cá ngừ đóng hộp.

Theo số liệu Cục thống kê Lao động Mỹ, lạm phát đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên. Giá thực phẩm trong tháng 7 đã tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này dự kiến sẽ tiếp tục tác động mạnh tới nhập khẩu cá ngừ của Mỹ trong những tháng tới.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu cá ngừ sang EU trong tháng 7 đã tăng trở lại sau nhiều tháng sụt giảm.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường EU trong tháng 7 đạt 14 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu cá ngừ sang EU đạt 92 triệu USD, tăng 5%.

Trong đó, Đức, Bỉ và Hà Lan tiếp tục là ba thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối thị trường này, song tăng trưởng lại không đồng đều. Trong khi, xuất khẩu cá ngừ sang Bỉ trong tháng 7 tăng 130% thì thị trường Hà Lan đi ngang, Đức sụt giảm.

VASEP cho biết giá năng lượng tiếp tục tăng nhanh trên khắp châu Âu khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên sang khu vực này. Điều này đã kéo theo chi phí thực phẩm tại đây tăng cao hơn, gây tổn hại cho người tiêu dùng.

Hoạt động xuất khẩu các nhóm sản phẩm cá ngừ sang châu Âu sẽ gặp phải sự tác động đa chiều. Nhiều doanh nghiệp lo ngại khi tăng đơn hàng tại thị trường này bởi thu hồi đồng Euro và quy đổi sẽ mất đi giá trị, từ đó ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm từ nay cho đến cuối năm 2022.

Ngoài Mỹ và EU, CPTPP cũng là một trong những thị trường xuất khẩu cá ngừ chính của Việt Nam.

Trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối CPTPP tăng nhanh hơn so với tháng 6. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Canada phi mã 234% so với cùng kỳ, đạt gần 6 triệu USD; Nhật Bản duy trì đà tăng trưởng trong khi Mexico và Chile lại đảo chiều giảm 15% và 34% trong tháng 7.

Hiện tại, lệnh cấm sử dụng thiết bị dẫn dụ cá (FADs) tại khu vực Trung Tây Thái Bình Dương (WCPO) đang khiến lượng cá ngừ cập cảng tại khu vực này giảm, đẩy giá cá ngừ lên cao.

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu của các doanh nghiệp đang tăng do phải chuẩn bị để đáp ứng các đơn hàng từ các thị trường tăng lên vào dịp cuối năm. Điều này dự kiến sẽ khiến cho các doanh nghiệp đối mặt với bài toán chi phí.

Bên cạnh đó, lạm phát tại các nước vẫn chưa thể kiểm soát, điều này tiếp tục kìm hãm sự gia tăng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Hoàng Anh