|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Xuất hiện vật cản mới trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung

15:54 | 21/05/2025
Chia sẻ
Ngoài xung đột thương mại, Mỹ - Trung còn đang căng thẳng về vấn đề công nghệ.

Ngoài xung đột thương mại, Mỹ - Trung còn đang căng thẳng về vấn đề công nghệ. (Ảnh minh hoạ: Nikkei Asia/AP, Reuters).

Căng thẳng công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc lại leo thang, phủ bóng đen lên thoả thuận đình chiến thương mại gần đây cũng như nỗ lực duy trì đối thoại giữa hai siêu cường kinh tế.

Mới đây, Bắc Kinh đe doạ sẽ có hành động pháp lý đối với bất kỳ ai thực thi các hạn chế của Washington đối với sản phẩm chip của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies.

Cụ thể, trong một tuyên bố ngày 21/5, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các thực thể có thể vi phạm Luật trừng phạt chống nước ngoài khi hỗ trợ các hạn chế của phía Mỹ. Tuyên bố của cơ quan này không nêu rõ hình phạt.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ cảnh báo việc sử dụng chất bán dẫn của Huawei “ở bất kỳ nơi nào trên thế giới” đều sẽ vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Washington. Không lâu sau, Bộ Thương mại Mỹ đã xoá phần đề cập đến địa điểm.

Theo Bloomberg, phía Trung Quốc cho biết động thái mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với chip bán dẫn đã làm suy yếu các cuộc đàm phán thương mại gần đây tại Geneva.

Ông Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Phục Đán tại Thượng Hải, cho biết việc Mỹ sửa đổi thông báo cho thấy hai bên vẫn tiếp tục liên lạc, ít nhất là ở cấp độ làm việc.

“Thách thức đặt ra là làm thế nào cả hai bên có thể duy trì động lực đạt được từ các cuộc đàm phán tại Geneva”, ông Xu nói. “Tôi hy vọng hai bên có thể sẽ có các cuộc đàm phán cấp cao vào tháng tới. Nhưng hiện tại không có gì đảm bảo”.

Cùng ngày Trung Quốc đưa ra lời cảnh báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ma Zhaoxu đã bày tỏ với ông David Perdue, tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, rằng Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ hợp tác để thúc đẩy mối quan hệ.

Diễn biến này xảy ra một ngày sau cuộc họp giữa Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Pan Gongsheng và cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner, hiện là Chủ tịch Warburg Pincus, theo một tuyên bố ngắn gọn từ PBoC.

Trong một cuộc họp khác giữa Ngoại trưởng Vương Nghị và CEO Asia Society Kang Kyung-wha vào cùng ngày 20/5, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cho biết Bắc Kinh và Washington nên nỗ lực tìm ra cách phù hợp để chung sống hoà thuận.

Các cuộc gặp kể trên diễn ra sau cuộc đàm phán cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc vào đầu tháng tại Thuỵ Sỹ, nơi cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đồng ý giảm mạnh thuế quan lên hàng hoá của nhau trong 90 ngày.

Những tương tác đó dường như là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm duy trì đối thoại, trong khi các xung đột liên quan đến lệnh hạn chế chất bán dẫn của Mỹ và quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng vẫn chưa có dấu hiệu được giải quyết.

Vai trò của Trung Quốc trong hoạt động buôn lậu chất ma tuý fentanyl vào Mỹ cũng là một điểm gây tranh cãi khác. Giới chức Mỹ đã thúc giục Trung Quốc hợp tác nhiều hơn ở phương diện này.

Sự tan băng trong xung đột thương mại và tranh chấp dai dẳng về quyền tiếp cận công nghệ giữa hai nước cho thấy những thách thức trong quá trình giải quyết xung đột kinh tế giữa hai siêu cường.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Graham Webster, người đứng đầu dự án DigiChina tại Đại học Stanford, cho biết nếu hai nước đạt được một thoả thuận thương mại toàn diện hơn, “các hạn chế về công nghệ ở một hoặc cả hai bên sẽ được đem ra thảo luận”.

Khả Nhân

Data Talk | The Catalyst: Toàn cảnh Ngành & Doanh nghiệp bất động sản dân cư nhìn từ số liệu
Nguồn cung tăng, giao dịch phục hồi, lợi nhuận doanh nghiệp bật lên trong quý I/2025 – bất động sản dân cư đang cho thấy một diện mạo mới. Nhưng đằng sau dữ liệu tích cực là gì: chu kỳ tăng trưởng bền vững hay chỉ là nhịp hồi ngắn hạn trên nền tài chính còn mong manh?