Xuất hiện doanh nghiệp phát hành hàng nghìn tỉ đồng trái phiếu có tỉ lệ nợ/vốn đến 7 lần
Công ty TNHH Hakuba vừa công bố tình hình thanh toán trái phiếu trong 6 tháng đầu năm nay, qua đó cho thấy doanh nghiệp này đã phát hành 18 lô trái phiếu có kì hạn 1-2 năm trong giai đoạn 2018-2020, tổng giá trị phát hành ước tính trên 3.700 tỉ đồng.
Trong nửa đầu năm nay, doanh nghiệp đã thanh toán lãi gần 418 tỉ đồng. Trước đó ở nửa đầu năm 2019, Hakuba từng thanh toán hơn 461 tỉ đồng tiền gốc và 152 tỉ đồng tiền lãi trái phiếu.
Hakuba được thành lập vào ngày 11/9/2014, có trụ sở tại tầng 7, tòa nhà Nhật An Group, 30D Kim Mã Thượng, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội.
Doanh nghiệp do bà Nguyễn Hương Giang làm Tổng Giám đốc, đồng thời sở hữu 98% vốn điều lệ của công ty.
Số cổ phần còn lại thuộc về ông Nguyễn Quý Lâm, cổ đông của hàng loạt đơn vị khác: Công ty TNHH Hai thành viên Ataka (98%), CTCP Ví điện tử A+ (60%), CTCP Mua bán nợ Azura (35%).
Ngoại trừ năm 2016, Hakuba thu về số tiền ít ỏi 18 triệu đồng thì ba năm sau đó, doanh nghiệp đều trắng nguồn thu. Tuy nhiên, Hakuba vẫn có lãi 8 tỉ đồng trong năm 2019.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Hakuba ghi nhận khoản lãi nhuận sau thuế 487 triệu đồng, theo bản công bố tóm tắt một số chỉ tiêu tài chính từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Có thể nói, đây là doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao nhất trong số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ trước đến nay với hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu trên 7 lần, tương ứng nợ phải trả hơn 5.217 tỉ đồng, tính đến ngày 30/6/2020.
Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lên đến 7 lần là mức gần như chưa từng thấy trên thị trường từ trước đến nay. Theo thông tin từ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu gần đây cho thấy, một số doanh nghiệp có tỉ lệ nợ/vốn ở mức cao như Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu Đông, hay Thành Phố Xanh có hệ số nợ lên đến gấp 5 lần.
Cuối năm 2019, nhà đầu tư bất ngờ trước thông tin một nhóm doanh nghiệp lạ (Yamagata, Azura, Ataka và Hakuba) đã phát hành gần 25.000 tỉ đồng trái phiếu trong những ngày đầu năm 2019 với kì hạn 10 năm, thông tin do HNX công bố.
Những thông tin liên quan đến trái phiếu như lãi suất, tài sản đảm bảo hay trái chủ không được các bên tiết lộ.
Trong khi đó, vốn điều lệ của những doanh nghiệp này chỉ ở mức vài chục đến vài trăm tỉ đồng, rất nhỏ so với qui mô trái phiếu phát hành.
Một điểm chung khác, nhóm doanh nghiệp này đồng thời sở hữu lượng lớn chứng chỉ tiền gửi của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Trong đó, một phần chứng chỉ tiền gửi cũng được các doanh nghiệp thế chấp tại VPBS để làm tài sản bảo đảm cho một số lô trái phiếu.
Các trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành thường không tiết lộ danh tính nhà đầu tư tổ chức đứng ra mua. Dù vậy, một phần của các trái phiếu này gần đây được các ngân hàng thương mại chào bán đến các nhà đầu tư gồm doanh nghiệp, người có tiền nhàn rỗi như một khoản tiền gửi.
Theo báo cáo tài chính được kiểm toán bởi hãng Deloitte Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2019, số trái phiếu của CTCP Clever Group nắm giữ có tổng trị giá lên đến 50 tỉ đồng. Trong đó, phần lớn là trái phiếu Yamagata (25,64 tỉ đồng); còn lại là trái phiếu Azura, Tân Việt và Chứng khoán VNDirect.
Còn theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2018 của CTCP Bánh kẹo Hải Hà (Haihaco, Mã: HHC), doanh nghiệp này mua lại 12 tỉ đồng trái phiếu của Hakuba được phát hành vào ngày 27/4/2018.
Sau đó, Haihaco đã bán lại số trái phiếu này cho CTCP Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) vào ngày 2/5/2018.