|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hé lộ khối tài sản 'bóng loáng' của startup công nghệ CleverAds, cơ ngơi của ông chủ Sói Biển trước ngày lên sàn

13:09 | 10/12/2019
Chia sẻ
CleverAds vừa được HNX chấp thuận đăng kí giao dịch trên UPCoM với mã ADG. Trước khi lên sàn, vốn của startup công nghệ này đã cao gấp 185 lần sau gần 11 năm ra đời.

Từng bán vốn cho các nhà đầu tư ngoại

Cơ cấu cổ đông Clever Group

Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp.

Clever Group trước đây là CTCP Quảng cáo Thông minh (CleverAds), được khai sinh bởi doanh nhân Nguyễn Khánh Trình và hai cộng sự là Hoàng Quốc Hoàn và Nguyễn Quang Tuấn. CleverAds chính thức đổi tên thành CTCP Clever Group vào ngày 1/8 vừa qua.

Tại thời điểm mới thành lập vào ngày 4/8/2008, vốn điều lệ của Clever Group chỉ có 400 triệu đồng. Năm 2011, CyberAgent gia nhập vào Clever Group và mua lại 20% cổ phần.

Tuy nhiên, CyberAgent đã có hai lần giảm tỉ lệ sở hữu vào năm 2018, xuống còn 1,5% tại ngày 29/5/2018.

Có thể nói, cuộc đua thần tốc của Clever Group bắt đầu khi Yellow Digital Marketing – Tập đoàn marketing di động lớn nhất Hàn Quốc Yellow Mobile Group xuất hiện vào năm 2017 và trở thành đối tác chiến lược sở hữu 33,51% vốn của công ty.

Có Yellow Digital Marketing hậu thuẫn, Clever Group dễ dàng hơn trong việc vươn ra thị trường ngoại. Bằng chứng là ngoài ba văn phòng trong nước, Clever Group còn hai công ty đại diện quốc tế, được đặt tại Indonesi và Myanmar.

Sau đợt phát hành 2,4 triệu cp để trả cổ tức năm 2018 với tỉ lệ 48% vào ngày 28/6 vừa qua,  vốn điều lệ của Clever Group đã tăng lên 74 tỉ đồng, gấp 185 lần sau gần 11 năm ra đời.

Quá trình tăng vốn Cleverads

Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp.

Nắm trong tay 17 hợp đồng quảng cáo trị giá 341 tỉ đồng, mục tiêu tăng vốn lên 120 tỉ đồng vào năm 2020

Theo thông tin do Clever Group, hiện nay công ty đang triển khai 17 hợp đồng quảng bá thương hiệu với tổng giá trị gần 341 tỉ đồng.

Trong hai năm gần nhất, công ty liên tục tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận. Trong năm 2017, công ty đạt gần 247 tỉ đồng doanh thu thuần và 16 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế (LNST) của cổ đông công ty mẹ.

Đến năm 2018, Clever Group tăng trưởng 36% về doanh thu và 26% về lợi nhuận, tương ứng đạt 335 tỉ đồng và 20 tỉ đồng. Nhìn chung, lợi nhuận gộp của công ty duy trì trên 40% trong hai năm qua.

Theo ước tính của Clever Group, 9 tháng đầu năm nay công ty đạt 250,8 tỉ đồng doanh thu và 18,8 tỉ đồng LNST, thực hiện được 60% kế hoạch doanh thu và 70% kế hoạch lợi nhuận năm. 

Dự kiến sau khi lên sàn, Clever Group lên kế hoạch cho năm 2020 đạt 456 tỉ đồng doanh thu và 41 tỉ đồng LNST, tăng trưởng 10% doanh thu và gần 55% lợi nhuận so với kế hoạch 2019. Cùng với đó, công ty sẽ tăng vốn lên 120 tỉ đồng.

Mặc dù lợi nhuận mỗi năm đều tăng trưởng nhưng dường như Clever Group không có thói quen chia cổ tức đều đặn mỗi năm mà sẽ cộng dồn. 

Trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, Clever Group chỉ thực hiện chia cổ tức một lần 48% ở năm 2018. Kế hoạch cho hai năm tiếp theo 2019 và 2020 đều không chia cổ tức.

Tài chính Cleverads

Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp.

Phần lớn tài sản tích luỹ được đầu tư vào trái phiếu

Theo báo cáo tài chính được kiểm toán bởi hãng Deloitte Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Clever Group ghi nhận gần 138 tỉ đồng. Trong đó, tổng số dư tiền mặt, tiền gửi và đầu tư vào trái phiếu gần 73 tỉ đồng, chiếm gần 1/2 tổng tài sản. 

Riêng số trái phiếu của Clever Group nắm giữ có tổng trị giá lên đến 50 tỉ đồng. Trong đó, phần lớn là trái phiếu Yamagata (25,64 tỉ đồng); còn lại là trái phiếu Công ty Azura, Tân Việt và Chứng khoán VNDirect.

Theo đó, có thể thấy hoạt động đầu tư tài chính của Clever Group nhằm tăng hiệu quả sử dụng vốn của công ty. Với việc lãi suất tiền gửi thấp hơn, công ty đã dành một phần lớn tài sản để đầu tư vào trái phiếu trong vòng 2 năm qua. 

Trong 6 tháng đầu năm, Clever Group thu được 2,2 tỉ đồng tiền lãi từ tiền gửi và lãi trái phiếu.

trai phieu Cleverads

Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán Bán niên 2019 của Clever Group.

Trước đó, tại ngày 31/12/2018, Clever Group dành 27,5 tỉ đồng đầu tư vào trái phiếu, chủ yếu là trái phiếu công ty Ataka gần 25,6 tỉ đồng và 2 tỉ đồng vào trái phiếu công ty Azura. Số trái phiếu công ty Ataka có thể đã được Clever Group chuyển sang trái phiếu Yamagata như đã nói ở trên. 

Về Yamagata và Azura, đây là hai công ty khá kín tiếng nhưng đã huy động được một nguồn vốn trái phiếu rất lớn trong năm nay. Riêng Yamagata là doanh nghiệp gây chấn động thị trường tài chính khi huy động gần 16.000 tỉ đồng trái phiếu với số vốn điều lệ chỉ 100 tỉ đồng.

Ngoài ra, Clever Group còn sở hữu bất động sản chờ tăng giá là biệt thự LK4-SL40, lô TT96-9, khu đất phía Đông Nam dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh và phần mở rộng khu B Vinhomes Thăng Long, Hà Nội.

báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2018 của Clever Group.

Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán 2018 của Clever Group.

Trở lại với Clever Group, bên cạnh phần lớn các khoản phải thu ngắn hạn của Clever Group tại ngày 30/6/2019 là phải thu ngắn hạn khách hàng với gần 27 tỉ đồng, chiếm 60% tổng các khoản phải thu. 

Số nợ phải trả của Clever Group tại ngày 30/6 là 44,4 tỉ đồng. Trong đó, có 14 tỉ đồng nợ phải trả cho Facebook, 1,7 tỉ đồng phải trả cho Google.

Clever Group có tổng dư nợ vay ở mức thấp, chỉ hơn 8 tỉ đồng vốn lưu động được vay từ Vietinbank với lãi suất chỉ 4%/năm. 

Nguyên Ngọc