|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp huy động vốn bằng trái phiếu để cho vay

12:16 | 12/09/2019
Chia sẻ
Công ty Cổ phần Bông Sen đã huy động gần 6.000 tỉ đồng trái phiếu với mục đích đầu tư dự án nhưng trong 2 năm qua nguồn tiền này chủ yếu để cho vay và mua trái phiếu doanh nghiệp khác.

Hai năm trước, Công ty Cổ phần Bông Sen, doanh nghiệp sở hữu tổ hợp khách sạn Daewoo Hà Nội đã thực hiện đợt phát hành 6 triệu trái phiếu doanh nghiệp, tương đương 6.000 tỷ đồng.

Trái phiếu này có kỳ hạn 2 năm và được đảm bảo bằng 8 bất động sản, gồm 2 khách sạn, 3 nhà hàng, 3 tài sản cho thuê có diện tích hơn 2.900m2 giá trị lớn, tọa lạc tại các vị trí đặc địa ở TP.HCM và 37,87% cổ phần của Công ty Bông Sen; 70% cổ phần khách sạn Daewoo cũng như các tài sản khác.

Các nhà đầu tư sau đó đã mua hơn 90% số trái phiếu Công ty chào bán, giúp Bông Sen thu về 5.473 tỷ đồng, tăng quy mô vốn hoạt động và triển khai các kế hoạch đầu tư.

Tuy vậy, một báo cáo gần đây của Công ty cho biết, hồ sơ pháp lý của các dự án chưa hoàn thành khiến kế hoạch đầu tư chưa thể thực hiện và Công ty đã hợp tác với đơn vị khác để sử dụng nguồn vốn từ đợt phát hành này. Báo cáo tài chính năm 2018 của Bông Sen ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn gần 3.000 tỷ đồng và các khoản phải thu dài hạn hơn 3.300 tỷ đồng.

Một nguồn tin cho thấy, năm 2017, Công ty Cổ phần Bông Sen cũng sở hữu một lượng lớn chứng chỉ tiền gửi trị giá 2.551 tỷ đồng của Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit), công ty con của VPBank.

Gần đây, nguồn tài chính của Bông Sen được sử dụng để mua trái phiếu của các công ty kém tên tuổi như Công ty TNHH Yamagata hay Công ty Cổ phần Azura. Các công ty này sao đó là nhà cung cấp vốn cho FE Credit thông qua việc mua chứng chỉ tiền gửi của công ty này.

Giao dịch trái phiếu đã làm thay đổi rõ rệt cơ cấu hoạt động của Bông Sen, đặc biệt là doanh thu và chi phí tài chính. Cụ thể năm 2017, doanh thu tài chính của Công ty là 740 tỷ đồng và chi phí tài chính là 753 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với các năm trước đó. Trong khi hoạt động cốt lõi của công ty là quản lý khách sạn, nhà hàng chỉ mang lại doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

Sau 2 năm, khi lô trái phiếu trị giá 5.473 tỷ đồng trên đến ngày đáo hạn, Bông Sen tiếp tục phát hành 6.450 tỷ đồng trái phiếu để "tái cơ cấu khoản nợ" và đồng thời duy trì mục tiêu thực hiện dự án đầu tư. Trái phiếu lần này có kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 11%/năm và tài sản đảm bảo tương đồng với lô trái phiếu được phát hành năm 2017.

Theo tài liệu họp Đại hội cổ đông của Bông Sen, phương án tái cơ cấu nợ của công ty dự kiến phát hành từ 6.000 đến 11.250 tỷ đồng trái phiếu với mức lãi suất tối đa là 13,5%. và kỳ hạn từ 24 đến 36 tháng.

Lịch sử phát hành trái phiếu của một doanh nghiệp như Bông Sen cho thấy, doanh nghiệp có thể huy động hàng nghìn tỷ đồng để sử dụng với mục đích hoàn toàn khác so với kế hoạch ban đầu.

Trái phiếu doanh nghiệp có thể được huy động trên danh nghĩa đầu tư dự án, công trình, tăng vốn hay mở rộng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, sau đợt phát hành, đơn vị này có thể công bố thay đổi mục đích sử dụng vốn, hoặc sử dụng vào mục đích cho vay, đầu tư khác như Bông Sen.

Trong các trường hợp này, nếu bên mua trái phiếu doanh nghiệp là các ngân hàng thì dòng tiền đã chảy vào công ty tài chính FE Credit qua một hoặc hai doanh nghiệp trung gian.

Hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng gần đây đã được cơ quan quản lý cảnh báo rủi ro. Trong văn bản mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua giám sát, có một số ngân hàng có số dư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trên tổng tài sản và đang tiếp tục tăng nhanh.

Đặc biệt, số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn khi thị trường này vẫn chưa hồi phục vững chắc. Thậm chí, có ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại khoản nợ của doanh nghiệp phát hành.

Để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, hạn chế rủi ro trong hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại khoản nợ của doanh nghiệp phát hành.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, năm 2018 có 224.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành, tăng gần gấp đôi so với 2017. Bước sang năm 2019, quy mô các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tăng. Trong 8 tháng đầu năm, ước tính tổng lượng chào bán là 129.016 tỷ đồng và lượng phát hành là 117.142 tỷ đồng, quy mô thị trường tăng mạnh lên mức khoảng 10,2% GDP.

Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm một tỷ trọng lớn. Từ đầu năm đến nay, bất động sản là lĩnh vực có các đơn vị tham gia chào bán trái phiếu đông đảo nhất, với 44 trên tổng số 108 doanh nghiệp. Tổng lượng chào bán cũng rất lớn, lên đến 47.804 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD, với sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp bất động sản tên tuổi.

Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ, Bộ Tài chính cho biết, nhà đầu tư tổ chức là chủ yếu trên thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp, chiếm 93,9% khối lượng phát hành trong khi, nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 6,1%.

Việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng quá nhanh trong bối cảnh chưa có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia làm dấy lên câu hỏi: đâu là nhân tố thực thúc đẩy thị trường trái phiếu thời gian vừa qua?

Các công ty phân tích nhận định, nếu nhìn sâu vào từng đợt phát hành vẫn thấy có một số điểm cần lưu tâm như việc các ngân hàng là bên mua của nhiều loại trái phiếu, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Động thái này như một hình thức lách luật của các ngân hàng để cấp thêm tín dụng cho các dự án bất động sản, vốn đang bị hạn chế để điều chỉnh hệ số rủi ro cho vay bất động sản.

Hiện tại, Techcombank là ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất, khoảng 60 nghìn tỷ đồng, tiếp theo là SHB, BIDV, VietinBank, MBB.

Trần Anh