|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xử lý sai phạm kinh tế: Không để 'con sâu làm rầu nồi canh'

14:59 | 06/11/2022
Chia sẻ
Dù xử lý sai phạm các tập đoàn kinh tế lớn song Chính phủ thể hiện quyết tâm minh bạch hóa thị trường tài chính, ngăn tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Lực lượng cảnh sát điều tra tới trụ sở Tân Hoàng Minh tại phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN).

Việc những tập đoàn kinh tế lớn bị xử lý nghiêm khắc dĩ nhiên không thể không ảnh hưởng tới “sức khỏe” của thị trường trái phiếu, chứng khoán.

Tuy nhiên, Chính phủ đã lường trước sự “rung chấn” nói trên và thể hiện rõ quyết tâm minh bạch hóa thị trường tài chính, ngăn chặn tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ nhà đầu tư chân chính

Chủ trì hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế (ngày 22/4/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nhiều người đặt câu hỏi là tại sao lại có vụ việc phát hành trái phiếu như Tân Hoàng Minh, tại sao lại có vụ việc thao túng chứng khoán của Chủ tịch Công ty FLC, hay Công ty Chứng khoán Trí Việt... Ai vi phạm phải bị xử lý, nhưng quan trọng nhất là phải bảo vệ các nhà đầu tư chân chính đang chiếm đại đa số trên thị trường, xử một người để cứu nhiều người, bảo vệ đa số các nhà đầu tư. Những sai phạm vừa qua không đại diện cho đa số và đã được xử lý một cách quyết liệt.

Thủ tướng đòi hỏi ở các cấp, các ngành, địa phương sự kiên định thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, trình các cấp có thẩm quyền để bảo vệ nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường trái phiếu. Đồng thời, cần có giải pháp để phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tiền tệ là phát triển lành mạnh, bền vững thị trường chứng khoán để mở rộng quy mô huy động vốn trung và dài hạn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Đảng và Nhà nước ta nhất quán chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và luôn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những doanh nghiệp tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, làm ăn hiệu quả, chính đáng, minh bạch, làm giàu chính đáng cho mình, đóng góp cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.”

Mặt khác, Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Ai cố tình vi phạm pháp luật thì phải cương quyết xử lý.” Thủ tướng giao Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và tiền tệ với quyết tâm cao lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có hiệu quả.

Phó Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên phân tích nhìn dưới góc độ kinh tế, có thể có nhiều góc độ đánh giá khác nhau nhưng nếu như trong hoạt động kinh tế nói chung, tài chính, tín dụng ngân hàng, chứng khoán nói riêng, mà doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các chủ thể có liên quan thì đó là mục tiêu của cả thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Do đó, công tác xử lý sai phạm của những tập đoàn kinh tế lớn như vừa qua là cần thiết khi các vụ việc đã chín muồi.

Khi sự việc có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, đã khởi tố thì phải điều tra, đã điều tra thì phải truy tố và xét xử. Chúng ta đã nhất quán nguyên tắc chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và hoàn toàn không chịu sự tác động “lệch chuẩn” từ bất cứ cơ quan, tổ chức, lực lượng có thẩm quyền nào.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết người dân cả nước ủng hộ cuộc chiến của Đảng và Nhà nước ta chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có việc xử lý sai phạm ở các tập đoàn kinh tế lớn.

Trình bày báo cáo kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 vào sáng 20/10/2022, ông Đỗ Văn Chiến thông tin các cử tri đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn cả trong khu vực nhà nước lẫn khu vực tư nhân.

Đặc biệt, cử tri kiến nghị xử lý nghiêm khắc những đối tượng có những sai phạm nghiêm trọng tại các vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong việc phát hành trái phiếu trái pháp luật ở một số tập đoàn kinh tế lớn như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…

Chú trọng mặt trận truyền thông

Trong việc xử lý các vụ án kinh tế lớn, Thủ tướng Chính phủ lưu ý về công tác truyền thông, yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí phải đưa chính xác, đầy đủ, kịp thời những thông tin liên quan đến thị trường vốn.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phát hiện và phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường tài chính.

Ngày 25/10, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết cơ quan chức năng đang tích cực xác minh, điều tra, xử lý nghiêm những người có hành vi đưa tin sai sự thật liên quan đến những tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn.

Sau khi cơ quan chức năng khởi tố vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh, vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại Tập đoàn Đầu tư An Đông (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) thì xuất hiện trên các mạng xã hội nhiều tin giả, tin sai sự thật liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, tiền tệ, trong đó có việc lan truyền luận điểm vô căn cứ rằng ở Việt Nam các mối quan hệ kinh tế, tài chính “bị hình sự hóa.”

Những thông tin giả mạo này gây hoang mang dư luận, gây rối loạn, mất an ninh, an toàn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích, hoạt động bình thường của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Đặc biệt nguy hại là thông tin cho rằng Bộ Công an sẽ tiến hành xử lý tiếp một số tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn hòng gieo rắc nỗi bất an trong giới doanh nhân. Bộ Công an đã bác bỏ tin đồn thất thiệt này.

Giao dịch tại SCB. (Ảnh: CTV/Vietnam+).

Bên cạnh đó là thông tin giả liên quan đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) khiến nhiều người kéo tới rút tiền ồ ạt trước thời hạn. Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người gửi tiền nên bình tĩnh để khỏi ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi là tiền lãi của các khoản tiền gửi. Mọi quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được Nhà nước đảm bảo.

Trong 10 tháng của năm 2022 cơ quan chức năng đã khởi tố điều tra 527 vụ án phạm tội trên không gian mạng. Liên quan đến đăng tải thông tin sai sự thật trên trang thông tin điện tử, có 63 vụ bị khởi tố với 68 bị can, 455 đối tượng bị xử phạt, 1.500 người được nhắc nhở và yêu cầu khắc phục hậu quả.

Đáng lưu ý là ngày 8/10/2022, Cục An ninh chính trị nội bộ và Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) đã phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam để triệu tập đối tượng Nguyễn Kiên Quyết (sinh năm 1982, trú tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam).

Thông tin ban đầu cho biết, đối tượng này đã sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội để đăng tải, bình luận vô căn cứ, gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an trước việc nhiều người dân đồng loạt rút tiền tại các ngân hàng. Hành vi này của Quyết tác động xấu đến hoạt động của các ngân hàng và tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định, trong thời gian tới Bộ Công an sẽ tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý nghiêm những người có hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác, gây hoang mang dư luận, tác động tiêu cực đến an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, an ninh đầu tư.

Bộ Công an khuyến cáo mọi người dân không tin, không nghe, không lan truyền các thông tin thất thiệt, cần tiếp nhận các thông tin chính thống từ cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Trần Quang Vinh