|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VDSC: Dữ liệu kinh tế tháng 10 báo hiệu sự chững lại trong tăng trưởng, GDP quý IV có thể đạt 6%

09:44 | 06/11/2022
Chia sẻ
Với bức tranh kém thuận lợi của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong tháng đầu của quý IV, VDSC dự báo tăng trưởng GDP quý IV đạt khoảng 6%, cả năm đạt khoảng 8%.

Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định dữ liệu kinh tế tháng 10 báo hiệu sự chững lại trong tăng trưởng.

Trong tháng 10, tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt 5,7% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể mức tăng đã điều chỉnh là 9,6% trong tháng 9/2022, đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Xét tổng thể, tháng 10 năm trước vẫn còn một phần ảnh hưởng của yếu tố mức nền thấp, trong quý 4/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ bắt đầu phục hồi vào tháng 11 và tháng 12.

"Mức tăng trưởng của hoạt động sản xuất trong tháng qua là khá yếu, đồng thời là một chỉ báo kém tích cực cho bức tranh của lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong các tháng còn lại của năm", VDSC cho biết.

 

Xét chi tiết các ngành nghề, hiệu ứng nền thấp tiếp tục ủng hộ đà tăng trưởng của lĩnh vực thực phẩm, đồ uống và sản xuất máy móc thiết bị, mặc dù mức tăng đã thu hẹp so với các tháng trước. Trong khi đó, thiếu đi hiệu ứng mức nền thấp, thủy sản, dệt may tăng chậm lại đáng kể.

Ngoài ra, sản xuất sản phẩm điện tử cũng tăng trưởng rất thấp so với cùng kỳ. Tháng 10 ngoài mặt hàng đồ nội thất thì xuất hiện thêm một số ngành tăng trưởng âm như thuốc lá, dệt, cao su và kim loại.

Diễn biến trên cũng tương đồng với tình hình xuất khẩu, xuất khẩu tháng 10 ước chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 9,9% của tháng 9 và 27,8% của tháng 8. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng âm 4,9% so với cùng kỳ.

Theo mặt hàng, xuất khẩu hàng điện tử và thủy sản không tăng trưởng so với cùng kỳ, dệt may ước tăng 5,7%, kim loại ước giảm 53,6%, tăng trưởng duy trì tốt ở một số mặt hàng như máy móc thiết bị (+12,3%), gỗ (+25,9%), túi xách (+58,2%) và giày dép (+102,7%).

 

Chỉ số quản trị mua hàng của Việt Nam trong tháng 10 vẫn trong ngưỡng mở rộng, đạt 50,6 điểm, thấp hơn 1,9 điểm so với tháng trước và mức sụt giảm này là tương đồng với khu vực.

Yếu tố khiến chỉ số PMI giảm là nhu cầu tăng yếu nhất trong 13 tháng và tồn kho hàng sản xuất giảm đáng kể nhất trong 16 tháng. Đổi lại, một số yếu tố đang hỗ trợ cho hoạt động sản xuất là áp lực giá cả và gián đoạn chuỗi cung ứng đều giảm.

VDSC cho rằng hai yếu tố có nguyên nhân đến từ việc nhu cầu sụt giảm, chỉ số PMI nhiều khả năng có thể tiếp tục thu hẹp nếu đơn hàng mới và sản lượng tiếp tục yếu đi trong các tháng tới. 

Về lĩnh vực dịch vụ, bức tranh của ngành này nhìn chung tốt hơn lĩnh vực sản xuất nhưng tốc độ phục hồi đã chững lại.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 1,5% so với tháng trước và 17,2% so với cùng kỳ. Theo nhóm hàng, doanh thu bán lẻ thực phẩm 10 tháng tăng trưởng 9,8% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 11,4% của 9 tháng.

Trong khi đó, sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ ăn uống, lưu trú và du lịch không duy trì được lâu, doanh thu bán lẻ của hai nhóm hàng này lần lượt tăng trưởng âm 2,1% và 8,6% so với tháng trước.

 

Khối phân tích cho rằng doanh thu bán lẻ tăng chậm lại có tác nhân đến từ việc áp lực giá cả tăng lên. Cụ thể, trong tháng 10, giá cho thuê nhà tăng 8,9% so với tháng trước, giá dịch vụ giáo dục (học phí) tăng 2,6%, giá lương thực thực phẩm ghi nhận tháng thứ 6 tăng liên tiếp (+0,13% so với tháng trước). Riêng tháng 10, lạm phát chung và lạm phát lõi đã tăng lần lượt 4,3% và 4,5% so với cùng kỳ. 

 

Với bức tranh kém thuận lợi của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong tháng đầu của quý IV, VDSC dự báo tăng trưởng GDP quý này ước đạt 6-6,1%, tương ứng với dự phóng GDP cho cả năm 2022 là 8-8,1%.

Đồng thời, triển vọng tăng trưởng trong quý IV đang hàm ý một tương lai khó khăn hơn trong năm 2023. Hiện tại, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng và lạm phát cho năm 2023 lần lượt là 6,5% và 4,5%, VDSC kỳ vọng tăng trưởng sẽ thấp hơn (ước đạt 5,8-6,3%) và lạm phát ước đạt 4,3-4,8%.  

Hồng Hà