|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

SSI: Kinh tế toàn cầu chậm lại bắt đầu tác động rõ ràng hơn đến ngành sản xuất của Việt Nam

08:28 | 06/11/2022
Chia sẻ
SSI cho biết tác động về sự chậm lại của kinh tế toàn cầu đã bắt đầu rõ ràng hơn trong ngành sản xuất, khi các chỉ số về sản xuất, PMI hay xuất khẩu đều giảm tốc trong tháng 10.

Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 11, SSI Research cho biết dữ liệu vĩ mô tháng 10 mới công bố của Tổng cục Thống kê đã cung cấp cái nhìn rõ ràng hơn cho thấy Việt Nam không đứng ngoài xu hướng của kinh tế toàn cầu, khi cả ngành sản xuất và tiêu dùng đều không còn quá tích cực dưới áp lực lạm phát cũng như tác động từ các yếu tố quốc tế.

Bên cạnh đó, biến động trên thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp và tỷ giá khiển rủi ro mất cân bằng vĩ mô cũng được nhắc đến nhiều hơn. Điểm sáng trong tháng đến từ việc giải ngân vốn FDI duy trì đà tăng trưởng tích cực, cũng như các dự án FDI đăng ký mới cải thiện. 

Báo cáo nhấn mạnh ngành sản xuất gặp nhiều khó khăn bởi sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu.

Tác động về sự chậm lại của kinh tế toàn cầu đã bắt đầu rõ ràng hơn trong ngành sản xuất, khi các chỉ số về sản xuất, PMI hay xuất khẩu đều giảm tốc trong tháng 10.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 (IIP) tăng 6,3% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với con số ghi nhận được trong tháng 9 (10,3%, mặc dù đã được điều chỉnh giảm so với số ước tính). Tính chung cho 10 tháng, IIP chỉ tăng 9% so với cùng kỳ - thấp hơn mức tăng trưởng trung bình 10 tháng của giai đoạn trước đại dịch COVID-19 à 9,5% - 10% (giai đoạn 2018- 2019) dù mức nền năm ngoái khá thấp.

Trong lĩnh vực chế biến chế tạo, tốc độ tăng trưởng cũng được ghi nhận ở một con số (5.7% trong tháng 10, từ mức 9,6% tháng 9).

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, bên cạnh nguyên nhân đến từ số lượng đơn đặt hàng mới chậm lại, một số ngành mang tính chu kỳ như thép giảm mạnh (sản lượng thép thô trong tháng 10 giảm tới 25,7% so với cùng kỳ) cũng góp phần lớn khiến các dữ liệu của ngành sản xuất kém tích cực hơn.

Tương tự, số liệu xuất nhập khẩu ước tính trong tháng 10 từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy kết quả không quá khả quan.

Xuất khẩu tăng chậm nhất kể từ tháng 9 năm 2021, giảm xuống chỉ còn tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó, mức sụt giảm mạnh nhất đến từ nhóm điện thoại di động (-9,4% so với cùng kỳ) và thép (-70%). Nhóm hàng dệt may (+5,7%), giày dép (+102,6%) và thủy sản (+0,92%) cũng đã chậm lại đáng kể so với tháng 9, mặc dù vẫn ghi nhận tăng trưởng do mức nền thấp vào năm ngoái.

Nhập khẩu hạ nhiệt cũng là yếu tố đáng lo ngại, cho thấy việc cắt giảm nhập khẩu các mặt hàng trung gian do đơn hàng xuất khẩu yếu đi.  

 

Trong khi đó, tiêu dùng chậm lại trong bối cảnh lạm phát tăng tốc.

"Dữ liệu tiêu dùng nội địa cũng phần nào cho thấy sự chậm lại, mặc dù chưa thật sự rõ ràng như lĩnh vực thương mại và sản xuất", các chuyên gia của SSI cho hay.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 10 tăng 17,1% so với cùng kỳ, giảm mạnh từ con số 36,1% trong tháng 9. Số liệu chính thức của doanh thu bán lẻ cũng được điều chỉnh giảm đáng kể trong tháng 9 (giảm -2,8% so với số liệu sơ bộ) trong tất cả ngành nhỏ, từ bán lẻ hàng hóa đến du lịch.  

Lạm phát bắt đầu tăng tốc kể từ cuối quý II, trong đó đáng chú ý là giá thuê nhà tăng mạnh (gần 17% trong 2 tháng 9 và 10) là yếu tố phần nào tác động tới tiêu dùng nội địa.

SSI cho biết trên thực tế, mặc dù lạm phát chung đã có sự cải thiện so với tháng 9 (chỉ tăng 0,15%, do hỗ trợ từ nhóm xăng dầu), lạm phát cơ bản vẫn duy trì mức tăng 0,45% so với tháng trước và đẩy mức tăng so với cùng kỳ lên 4,4% (cao hơn mức 4,3% của lạm phát chung). Nhìn chung, mức nền thấp trong nửa đầu năm đã giúp lạm phát trung bình trong 10 tháng đầu tương đối thấp, chỉ tăng 2,73% so với cùng kỳ.  

Về đầu tư, giải ngân vốn FDI trong 10 tháng có mức tăng trưởng tích cực, đạt 17,45 tỷ USD và tăng 15,2% so với cùng kỳ - cao hơn mức tăng trưởng trung bình trước COVID-19.

Ước tính FDI giải ngân đạt khoảng 21-22 tỷ USD, và là yếu tố cơ bản hỗ trợ nhằm cho cán cân thanh toán và tỷ giá.

Về vốn FDI đăng ký, tổng vốn FDI cam kết trong 10 tháng đầu năm đạt 18,67 tỷ USD (giảm 7,2% so với cùng kỳ, nhưng cải thiện đáng kể từ -18,2% trong ba quý đầu năm 2022. FDI đăng ký mới là động lực chính trong sự cải thiện trên, với mức FDI đăng ký mới trong tháng 10 ở mức 2,8 tỷ USD - mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 3 năm 2021.

Về giải ngân đầu tư công, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy tốc độ vẫn tương đối chậm, mặc dù trong tháng 10 có sự cải thiện. Tính đến tháng 10, giải ngân đầu tư công ước tính đạt 51,3% kế hoạch năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ và số thực hiện trong 9 tháng điều chỉnh giảm xuống 43% so với kế hoạch năm 2022.

Đặc biệt, việc giải ngân cho gói kích thích kinh tế đang thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra, khi chỉ đạt 18% kế hoạch và chủ yếu liên quan đến việc miến giảm hoặc hoãn thuế.

Đáng chú ý, thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 98,4% dự toán, tăng 12,1%, tạo dư địa trong điều hành tài khóa trong giai đoạn khó khăn sắp tới. 

Nhìn chung, SSI cho rằng dữ liệu kinh tế trong tháng 10 cho thấy các biến số vĩ mô có mức tăng trưởng chậm lại đáng kể, đến từ các nguyên nhân từ bên trong và bên ngoài.

Khối phân tích cũng nhận thấy một số thách thức trong việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm duy trì một môi trường vĩ mô ổn định. Tuy nhiên, nhờ kết quả tích cực trong 9 tháng đầu năm, SSI duy trì mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 ở 7,5-8% và tương đồng với ước tính mới nhất của Chính phủ.

Hồng Hà