Xử lý sai phạm trong lĩnh vực kinh tế: Bài 1 – Ai sai thì xử lý người đó
Trong 10 tháng của năm 2022 các cơ quan chức năng đã điều tra, khởi tố một số vụ án lớn trong hoạt động kinh tế được dư luận quan tâm. Việc xử lý các sai phạm trong lĩnh vực kinh tế là cần thiết, với tinh thần thượng tôn pháp luật, sai phạm đến đâu xử lý đến đó, ai sai cũng bị xử lý.
Vụ thứ nhất: Ngày 29/3, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, để điều tra về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. Cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam, đồng thời ra lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết để phục vụ điều tra. Hai em gái ông Quyết cũng bị bắt tạm giam để điều tra về cùng tội danh.
Kết quả điều tra ban đầu đã làm rõ được những sai phạm của ông Quyết liên quan đến việc "thổi giá" cổ phiếu. Việc thao túng thị trường chứng khoán của bị can Trịnh Văn Quyết được thực hiện từ đầu tháng 12/2021 đến ngày 10/1/2022, là thời điểm ông này bán chui 74,8 triệu cổ phiếu. Chỉ với sai phạm này, bị can Trịnh Văn Quyết bỏ túi 530 tỷ đồng. Còn với hành vi nâng khống vốn điều lệ, ông ta chiếm đoạt tới hơn 6.412 tỷ đồng.
Vụ thứ hai: Chiều tối 5/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) thuộc Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (tức Tập đoàn Tân Hoàng Minh), để điều tra về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điều 174 trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Cùng về tội danh này, 6 người khác đã bị khởi tố và bắt tạm giam.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết: Từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng và một số cá nhân khác tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên, gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan để phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật với tổng trị giá 10.300 tỷ đồng. Tập đoàn này đã huy động tiền của hơn 6.000 nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Trước đó, ngày 4/4, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã công bố thông tin hủy bỏ 9 đợt bán trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Vụ thứ ba: Ngày 7/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra các Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 3 bị can khác là đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Các bị can được xác định là có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong hai năm 2018 và 2019.
Tiếp đó, Công an Thành phố Hồ Chí Minh gửi văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường của thành phố rà soát nguồn gốc của 156 bất động sản có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu
Nói về các vụ sai phạm trong lĩnh vực kinh tế đang được xử lý, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học khẳng định: Việc xử lý những hành vi vi phạm trong các vụ án là đúng quy định của luật pháp, các đối tượng đã được xác định là có vi phạm. Sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó. Ai sai cũng bị xử lý.
Mục đích của việc xử lý vi phạm ở các doanh nghiệp FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát là lành mạnh hóa, tạo sự ổn định cho thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và người dân.
Sau vụ việc ở Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ngày 7/4/2022 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 304/CĐ-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất.
Công điện nêu rõ: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng… Tuy nhiên, thời gian vừa qua, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp có những vi phạm pháp luật và việc đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Để bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn, phát triển bền vững và hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tuân thủ quy định pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương:
Khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định, an toàn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tăng cường nắm tình hình, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất nhằm trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, các hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành; chủ động rà soát khung khổ pháp luật, xây dựng các kịch bản ứng phó gắn với việc triển khai quyết liệt các giải pháp ổn định, phát triển thị trường và ổn định tâm lý nhà đầu tư; công bố thông tin và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng: Khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo rà soát, tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, bất động sản ở các địa phương. Đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, gây mất ổn định thị trường thì phải kịp thời xác minh, làm rõ các sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật không để xảy ra trục lợi.
Bình luận về hành vi lũng đoạn thị trường chứng khoán như Tập đoàn FLC đã từng làm, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, nêu rõ: Chỉ số VN-Index chưa phản ánh đúng "sức khỏe" của nền kinh tế nước ta; đã có những dấu hiệu của sự đầu cơ, lũng đoạn trên thị trường; đã có dấu hiệu tiêu cực ở một số công ty trong vấn đề niêm yết cũng như phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Do đó, tăng cường thanh tra, giám sát để bảo đảm thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh là việc phải làm thường xuyên.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ, phải xử lý nghiêm những hành vi của các nhà đầu cơ lũng đoạn trên thị trường và cả những tổ chức có sai phạm với mức phạt nặng hơn so với lợi nhuận họ đạt được nhằm làm trong sạch thị trường chứng khoán, công bằng với các nhà đầu tư khác.
Cần tạo ra nhận thức một cách nghiêm túc cũng như môi trường thực tiễn rằng những sai phạm nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán không chỉ bị phạt hành chính mà phải chịu trách nhiệm hình sự, tương tự như vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” ở Tập đoàn FLC./. (còn nữa)
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/