|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, vấn đề sống còn

20:45 | 01/11/2017
Chia sẻ
Việc kinh doanh, xuất khẩu gạo ở nước ta hiện nay hiện nay được điều tiết và quản lý theo Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương hiện đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109 để trình Chính phủ và dự kiến ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Dự thảo đã gửi tới nhiều doanh nghiệp (DN) và các cơ quan quản lý để góp ý và nhiều số ý kiến đều cho rằng Nghị định 109 cần phải thay đổi mạnh mẽ để “cởi trói” cho nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia xuất khẩu gạo.

xay dung thuong hieu cho hat gao viet nam van de song con

Ảnh minh họa

Theo khảo sát của Bộ Công thương, những ý kiến đóng góp đối với Dự thảo về Nghị định 109 của nhà sản xuất, kinh doanh lúa gạo, đa số các chuyên gia đều cho rằng vấn đề xuất khẩu gạo hiện nay vẫn thuần túy mang tính “thời vụ”, và đề xuất Nghị định sửa đổi phải giải quyết điểm này. Thực sự, chưa có mấy ý kiến đóng góp mang tầm chiến lược như làm gì để có gạo ngon xuất khẩu, thương hiệu hạt gạo Việt được xây dựng ra sao, giải pháp nào để có chế tài xử lý lối làm ăn manh mún, chụp giật vốn đã ăn sâu vào “từng gốc rạ” của lĩnh vực này từ lâu nay.

Với 28 năm kinh nghiệm trong nghề kinh doanh lúa gạo từ bến Trần Văn Kiểu, quận 6, TP Hồ Chí Minh năm 1988 và hiện nay là DN xuất khẩu gạo lớn của tỉnh An Giang, đồng thời trải qua nhiều năm khảo sát thực tế tình hình lúa gạo của Thái Lan và Campuchia, nhằm nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới, tôi mạnh dạn đề xuất, ngành kinh doanh lúa gạo phải đổi mới triệt để, áp dụng những phương án, chiến lược dài hạn và căn cơ, nếu không bánh xe vẫn sẽ tiếp tục lăn trên những lối mòn cũ và thất bại.

Theo đó, cần giữ nguyên Nghị định 109, chỉ bổ sung một số điểm quan trọng làm cho giá trị hạt gạo Việt Nam tăng lên và có sức cạnh tranh cao. Phương án cụ thể là chọn vài giống gạo thơm để xuất khẩu, chứ không để quá nhiều giống lúa làm gạo xuất khẩu như hiện nay. Một là giống lúa thơm Jasmine 85 ngày, hai là Khaodak mali 105, ba là ST 20, bốn là giống lúa 504 để xuất khẩu gạo trắng hạt dài trung bình 6,2 mm cho các thị trường truyền thống như Philipinnes , Malaysia, Indonesia với các loại gạo white rice 5,10,15, 25%… Còn các giống lúa truyền thống đặc trưng vùng miền vẫn giữ nguyên.

Về điều kiện xuất khẩu gạo, DN ký bán xuất khẩu gạo thơm phải đạt độ thuần chủng từ 95% trở lên. Khi đã có “khung” của điều kiện này, các DN kinh doanh bán gạo pha trộn trên thị trường nội địa và xuất khẩu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc ít nhất xử phạt hành chính do vi phạm nhãn mác hàng hóa. Mặt khác, các DN xuất khẩu gạo khi bán hàng trong nội địa thì trên bao bì, nhãn mác bắt buộc phải có thông tin, bao gồm nhà sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, thành phần dinh dưỡng, số lô, mã vạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn sử dụng…

Để vấn đề nhãn mác được minh bạch và tránh nhầm lẫn, loại gạo chứa trong bao bì phải đúng với giống lúa. Chẳng hạn, gạo mang thương hiệu IR 50404 thì ghi là IR50404, không được ghi gạo khác với những cái tên nghe rất kêu. Để quản lý nhãn mác gạo, cần phải có cơ quan kiểm định chất lượng, cơ quan này phát hành tem nhãn, khi sản phẩm có tem nhãn thì mới được lưu thông trên thị trường. Tránh hiện tượng, cùng một giống lúa nhưng mang nhiều tên gạo khác nhau, gây nhầm lẫn hoặc cố tình đánh lừa người tiêu dùng.

Các cơ quan được quyền cấp giấy chứng nhận quản lý gạo thơm thuộc Bộ Công thương, nhưng hoạt động khách quan theo những qui trình, tiêu chuẩn đã được công bố rộng rãi, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” và hạn chế dần, cuối cùng phải triệt tiêu được cơ chế “xin cho”. Sau khi kiểm tra, DN đạt chuẩn theo yêu cầu, Bộ Công thương sẽ ban hành chấp thuận cho in logo trên bao bì sản phẩm.

Định kỳ hàng tháng hoặc quý, Bộ Công thương sẽ kiểm tra trên thị trường ngẫu nhiên sản phẩm gạo có in logo, nếu phát hiện sai phạm về nhãn mác, Bộ này sẽ phát hành chính thức cảnh báo đến DN vi phạm, nếu tái phạm sẽ bị đình chỉ giấy phép kinh doanh hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc cấp giấy chứng nhận, kiểm tra, quản lý được tổ chức thực hiện nghiêm sẽ khiến người tiêu dùng tin tưởng vào giấy chứng nhận và bằng lòng mua gạo với mức giá cao khi bao gạo có in biểu tượng logo.

Nhằm giúp các DN chủ động và phát huy năng lực, Nhà nước cần mạnh dạn hạn chế một số quyền của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) như bỏ việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo thay bằng việc đăng ký lên hệ thống Bộ Công thương; DN được tự mình đi tham gia đấu thầu gạo nước ngoài mà không phải thông qua VFA. Việt Nam hiện là vựa lúa gạo của thế giới nhưng chất lượng hạt gạo kém, cách tổ chức, điều hành xuất khẩu, đặc biệt là làm thương hiệu cho hạt gạo Việt thua xa Thái Lan và Campuchia. Vì vậy, hy vọng với Nghị định sửa đổi sẽ khắc phục được những hạn chế nêu trên.

Kinh nghiệm các nước

+ Thái Lan: Để quản lý chất lượng gạo thơm tại thị trường nội địa, Chính phủ đã ban hành, phổ biến những qui trình, tiêu chuẩn rõ ràng cho gạo thơm nội địa kèm theo việc sử dụng biểu tượng logo cho chứng nhận. Điển hình như gạo Jasmine phải đạt độ thuần chủng là 95%, các tiêu chuẩn khác thuộc loại cao cấp. Các loại gạo đạt các tiêu chuân cao được công bố sẽ được phép in biểu tượng logo chứng nhận lên bao gạo (biểu tượng logo trên bao gạo của quốc gia Thái Lan đang áp dụng có hình chắp tay cầu nguyện).

+ Campuchia: Hiện có 18 DN xuất khẩu gạo, các nhà máy xay xát gạo của quốc gia này đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng công nghệ sấy hiện đại (sấy tháp) của Đài Loan và công nghệ xay xát Satake, nhà máy không có bụi bặm. Về giống lúa, Campuchia có các giống chủ lực xuất khẩu là Phka ROMDUOL 6 tháng, SEN KRO OB 6, Jasmine 3 tháng. Gạo 504 chủ yếu xuất khẩu dòng white 5, 15, 25%. Các loại gạo nội địa chủ yếu là gạo sóc Neang Khun, gạo Sóc Phkar Knhey.

Để hoạt động xuất khẩu gạo không rối loạn và giữ uy tín cho thương hiệu hạt gạo quốc gia, Chính phủ Campuchia quy định, DN chỉ xuất khẩu gạo Campuchia không pha trộn bất kỳ gạo nào khác, DN nào vi phạm thì cầm chắc ở tù. Chính phủ Campuchia còn quy định giá sàn mua lúa cho nông dân và giá sàn xuất khẩu. Gạo lưu thông trong nội địa, DN Campuchia công bố đầy đủ các thông tin như nhà sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, thành phẩn dinh dưỡng, hạn sử dụng, tên gạo ghi đúng với giống lúa.

Chính nhờ những quy định nghiêm ngặt này, thị trường lúa gạo của Campuchia luôn phát triển ổn định và thương hiệu “Hạt gạo Miên” ngày càng được lan tỏa trên thị trường quốc tế.

xay dung thuong hieu cho hat gao viet nam van de song con Gạo Việt Nam mất sức cạnh tranh với gạo Thái Lan vì giá tăng liên tiếp

Tuần này, giá gạo Việt Nam và Ấn Độ đồng loạt tăng vì mưa lớn kéo dài, dấy lên lo ngại về nguồn cung gạo ...

Phạm Hoàng Lâm - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Hưng Lâm